Sáng kiến Xanh Trung Đông: Đột phá bảo vệ hành tinh

Mai Đan (Tổng hợp từ UN News)| 28/10/2021 10:59

(TN&MT) - Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed đánh giá, việc khởi động Sáng kiến Xanh Trung Đông tại Ả Rập Xê Út gần đây là một cam kết có giá trị và tầm nhìn chiến lược, nhằm chuyển đổi các nền kinh tế khu vực thoát khỏi sự phát triển không bền vững sang một mô hình “phù hợp với những thách thức của thế kỷ 21”.

Sáng kiến tạo ra các bể chứa carbon mới

Sáng kiến trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome, ngay sau đó là Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh).

Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed cho biết, Sáng kiến Xanh Trung Đông không chỉ giúp giảm lượng khí thải từ ngành công nghiệp dầu khí trong khu vực mà còn tạo ra các bể chứa carbon mới và giúp khôi phục, bảo vệ những vùng đất rộng lớn nhờ trồng rừng.

“Rõ ràng là nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới quá trình khử carbon sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực, từ năng lượng, đến sản xuất, vận tải và hệ thống thực phẩm”, bà Mohammed nhấn mạnh.

Mặt trời lặn ở Madinah, Ả Rập Xê Út. Ảnh: WMO / Ali Alhawas

Bà Mohammed lặp lại cảnh báo của Tổng Thư ký LHQ rằng nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp sẽ khiến trẻ em thế giới phải chịu một "tương lai địa ngục". Bà Mohammed nói: “Chúng ta cần khẩn trương giảm lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu xuống mức bằng 0 vào năm 2050 bằng cách cắt giảm 45% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030, so với mức năm 2010. Sự lãnh đạo của các quốc gia là điều cần thiết hơn bao giờ hết tại thời điểm lịch sử này”.

Trung Đông và Bắc Phi - vùng dễ bị tổn thương

Toàn bộ cộng đồng trên toàn thế giới đang bị tổn thương do tác động của khí hậu, trong đó Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương.

Theo bà Mohammed, đối mặt với một loạt các rủi ro mang tính hệ thống, chẳng hạn như sa mạc hóa, mất an ninh lương thực, buộc phải di dời và các đợt nắng nóng khắc nghiệt, nếu không hành động, 2 khu vực trên sẽ phải đối mặt với 200 ngày nắng nóng khắc nghiệt mỗi năm và nhiệt độ lên đến 50 độ C vào cuối thế kỷ này.

Tuy vậy, những khu vực này có những tiềm lực kinh tế đáng kinh ngạc để tạo đòn bẩy, để có thể trở thành khu vực tiên phong cho một nền kinh tế hậu carbon.

Thất bại có thể là một lựa chọn

Quan chức LHQ cho biết: “Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mọi người phải nhanh chóng hành động vì mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu xuống mức bằng 0 ở tất cả các khu vực, đặc biệt là những khu vực phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu và khí đốt. Trong cuộc chiến này, thất bại là một sự lựa chọn, không phải sự chắc chắn”.

Mặc dù việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch sẽ là “một thách thức lớn” và đòi hỏi hỗ trợ có mục tiêu cho những người bị ảnh hưởng tạm thời, nhưng bà Mohammed khẳng định rằng những khoản đầu tư đó có thể mang lại vô số lợi ích trong dài hạn.

Bà cho biết, đoàn kết và công bằng là những nguyên tắc cốt lõi làm nền tảng cho cơ chế đa phương. Đó là lý do tại sao bà Mohammed đánh giá Sáng kiến Xanh Trung Đông là một cách tiếp cận hợp tác và khu vực để cùng nhau hành động vì khí hậu.

Biến COP26 thành "một bước ngoặt"

Phó Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nhà lãnh đạo chuẩn bị sẵn sàng để giúp COP26 không chỉ thành công mà còn là “một bước ngoặt” thực sự hướng tới quá trình chuyển đổi xanh, mạnh mẽ và công bằng. Bà Mohammed đề nghị tất cả các quốc gia cập nhật các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho các hành động khí hậu ngày càng tham vọng nhằm đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu giảm phát thải trên toàn cầu.

Quan chức Liên Hợp Quốc cho biết, các nước G20, những nước chịu trách nhiệm tới 80% lượng khí thải toàn cầu phải đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời yêu cầu các nhà tài trợ phân bổ ít nhất 50% tài chính khí hậu của họ cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sự tín nhiệm sẽ là chìa khóa

Nhấn mạnh thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu yêu cầu tất cả các dòng đầu tư tài chính công và tư nhân phải phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), Phó Tổng Thư ký LHQ cho rằng, tài chính tư nhân sẽ tiếp cận các khu vực “không phải lúc nào cũng nằm trong tầm ngắm của họ”, chẳng hạn như các nước kém phát triển nhất, các đảo nhỏ đang phát triển và các cộng đồng dễ bị tổn thương nói chung.

Ngoài ra, các tổ chức tài chính tư nhân cần phải vượt qua bài kiểm tra về sự tín nhiệm, bao gồm các tiêu chuẩn và sự phân loại; công bố rủi ro khí hậu bắt buộc và minh bạch hơn trong toàn bộ hội đồng quản trị để đảm bảo rằng tất cả các dòng tài chính đều góp phần duy trì mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong tầm tay. “Sự tín nhiệm sẽ là chìa khóa”, quan chức LHQ khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến Xanh Trung Đông: Đột phá bảo vệ hành tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO