Hội nghị các Bên lần thứ 20 của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Lima, Peru tổ chức trong năm 2014 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (NAMA) của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. COP20 cũng khuyến khích xây dựng và thực hiện các NAMA tạo tín chỉ nhằm chuẩn bị cho việc vận hành các cơ chế quốc tế về trao đổi tín chỉ ở quy mô toàn cầu.
Đối với Việt Nam, cho đến nay chưa có dự án cụ thể nhằm định hướng tăng cường năng lực xây dựng và thực hiện các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với NAMA nhằm triển khai thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon để chuẩn bị tham tham gia thị trường các-bon thế giới, đặc biệt là sau năm 2020 khi một thỏa thuận toàn cầu mới sẽ được ban hành vào cuối năm 2015 tại COP21- Paris và có hiệu lực với tất cả các quốc gia, bao gồm các nước đang phát triển như Việt Nam vào năm 2020. Do đó, việc xây dựng một dự án tổng thể với các mục tiêu từ ngắn hạn tới dài hạn đối với các khía cạnh nêu trên là rất quan trọng và cần thiết cho Việt Nam.
Trong khuôn khổ sáng kiến về “Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon” (PMR), tại Hội nghị lần thứ 10 của Đại Hội đồng Chương trình PMR tổ chức tại Santiago, Chi-lê vào tháng 11/2014, Đoàn công tác của Việt Nam đã bảo vệ thành công đề xuất dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” (VNPMR).
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực xây dựng và thực hiện các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với NAMA (Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia), thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn.
ảnh minh họa |
Ngày 17/11/2014, Giám đốc WB tại Việt Nam chính thức có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan về việc quyết định hỗ trợ 3,0 triệu USD để Việt Nam triển khai dự án VNPMR từ năm 2015.
Các chuyên gia cho rằng, Dự án sẽ đóng góp tích cực cho quá trình thực hiện Quyết định 1775/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới, các công tác hoạch định chính sách có liên quan và tăng cường năng lực thông qua việc nâng cao khả năng phân tích, nghiên cứu và đề xuất các chính sách về công cụ thị trường các-bon.
Dự án cũng sẽ nâng cao sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan trong việc xác định, xây dựng và thực hiện công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon được tạo ra từ các thị trường các-bon trong tương lai để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thể đầu tư, kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới.
Những kết quả thu nhận được từ dự án sẽ là nền tảng cho xây dựng thị trường các-bon nội địa, thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Phạm vi hoạt động của Dự án sẽ mang lại hiệu quả cao trong xây dựng và thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kết nối giữa các Bộ, ngành và địa phương liên quan. Các hoạt động xây dựng năng lực của dự án, đặc biệt là về các chính sách và các tổ chức trong lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ cung cấp nguồn lực và thông tin cập nhật nhất cho các nhà hoạch định chính sách từ trung ương đến địa phương.
Kết quả dự kiến của dự án sẽ hỗ trợ và cải thiện sự tham gia của Việt Nam vào các quá trình đàm phán về biến đổi khí hậu trên thế giới. Các kết quả của dự án sẽ hỗ trợ quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả của các cơ chế quản lý trong lĩnh vực biến đổi khí hậu nhằm đề xuất các biện pháp ứng phó tốt hơn với tác động biến đổi khí hậu.
Phạm Thu Hà