Sáng 23/3 tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3) và Chiến dịch giờ trái đất năm 2023.
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ XXI với những tác động tiêu cực, đe dọa đến các hoạt động phát triển bền vững.
Các báo cáo về tình trạng khí hậu toàn cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới thể hiện những thay đổi của hệ thống khí hậu trong những năm qua, các chỉ số về nồng độ khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt, sức nóng của đại dương, axit hóa đại dương, băng tan và mực nước biển dâng, đều ở mức cao kỷ lục tại thời điểm quan trắc.
"Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn, các đợt nắng nóng kéo dài với cường độ cao hơn, lượng mưa lớn hơn và hạn hán cũng nghiêm trọng hơn", Thứ trưởng Nhân chia sẻ.
Theo Liên hiệp quốc, tài nguyên nước là một phần cơ bản của tất cả các khía cạnh của cuộc sống, gắn bó chặt chẽ với các giá trị xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, thông qua mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, năng lượng, môi trường, an ninh lương thực... Tài nguyên nước là yếu tố quan trọng nhất để đạt được các chỉ tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả những mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
Vì vậy, chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2023 là "Thúc đẩy sự thay đổi"; Ngày Khí tượng thế giới là "Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau", và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 với chủ đề "Thời khắc quan trọng cho Trái đất" có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong các khía cạnh về môi trường - tài nguyên - sinh thái.
"Thời tiết, khí hậu và vòng tuần hoàn của nước không phân biệt ranh giới quốc gia. Các thông điệp nêu trên nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước, biến đổi khí hậu; kêu gọi toàn thể cộng đồng hợp tác hành động, thể hiện vai trò và trách nhiệm trước sự tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Thứ trưởng dẫn chứng, Báo cáo "Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương" do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu thực hiện đưa Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và cần thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ. Nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng... đang đối mặt trước những thách thức của thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan và ngày càng khó dự đoán.
Sẵn sàng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn
Để chuyển hóa những thách thức và lan tỏa hưởng ứng chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cấp Bộ, ngành, địa phương thống nhất hành động, triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Xây dựng kế hoạch cụ thể từ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ.
"Để thiết thực hưởng ứng Chiến dịch giờ trái đất năm 2023, tất cả chúng ta cùng hành động tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết khác vào lúc 20h30 - 21h30 ngày 25/3 trên khắp mọi miền của Tổ quốc", Thứ trưởng Nhân mong muốn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật liên quan tới khí tượng thủy văn, nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đẩy mạnh lối sống xanh và thân thiên môi trường, thiên nhiên, phát triển bền vững.
Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất. Áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng. Đặc biệt quan tâm giải pháp về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước gắn với công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới "Công nghệ 4.0"; thu thập và khai thác thông tin từ vệ tinh đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa, từ sớm, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa, phục vụ hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế của đất nước
"Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia với cơ quan quản lý thiên tai, quản lý tài nguyên nước cũng như chính quyền địa phương và các bên liên quan để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu.
Cam kết đồng hành cùng Việt Nam vì mục tiêu chung
Phát biểu tại buổi Lễ, Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP Việt Nam chia sẻ các gợi ý để hướng đến mục tiêu chung, đó là: Đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tiêu thụ ít nước: Tại các vùng khô hạn như Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc khan hiếm nước. Điều này khiến cho việc áp dụng các mô hình cây trồng có khả năng chống chịu biến đổi, triển khai các công nghệ tiết kiệm nước tiên tiến như kích thích nhỏ giọt và tiết kiệm từng giọt nước là cần thiết.
Ưu tiên triển khai mạng lưới các dịch vụ Khí hậu đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực: Dịch vụ cảnh báo sớm và thông tin chính xác có thể hỗ trợ các lĩnh vực khác nhau tránh thiệt hại và mất mát, đồng thời đưa ra kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn.
Đầu tư vào chuyển đổi năng lượng xanh: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi có những lợi thế cần được đánh giá tốt, triển khai và gia tăng trong cơ cấu năng lượng. UNDP tự hào được hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Khí tượng Thủy văn Việt Nam (VNMHA) để xây dựng các dự án và đánh giá tiềm năng nhằm đẩy nhanh việc triển khai điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
“UNDP cam kết tiếp tục hợp tác hiệu quả với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông và các đối tác phát triển để thúc đẩy và triển khai các hành động cần thiết, góp phần xây dựng một đất nước thịnh vượng, không còn ai phía sau” - Bà Ramla Khalidi khẳng định.
Ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng giám đốc WWF-Việt Nam khẳng định, lễ phát động ngày hôm nay là hành động thiết thực, thể hiện rõ sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.
“WWF-Việt Nam và cá nhân tôi là một người Việt Nam, và cũng là một nhà khoa học, chúng tôi tự hào về cam kết của chính phủ tại COP 26 về mục tiêu phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050.” – Ông Thịnh cho biết.
WWF-Việt Nam cam kết cùng với các đối tác hỗ trợ chính phủ ở mức cao nhất nhằm thực hiện những cam kết có ý nghĩa sống còn với hành tinh này trong bối cảnh Trái đất đã bước vào lằn ranh đỏ của sự sụp đổ hệ sinh thái toàn cầu do tác động của biến đổi khí hậu.
Cống hiến công sức để góp phần vào công cuộc giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Quách Tất Liêm phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh Hòa Bình rất vui mừng và vinh dự được Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn là địa phương tổ chức buổi Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất.
Là tỉnh miền núi phía bắc của Tổ quốc và được dự báo sẽ bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, tỉnh Hòa Bình luôn thấy rõ được tầm quan trọng của thời tiết và khí hậu. Các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ luôn “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, Ứng phó thông minh với khí hậu”.
Năm 2023, để hưởng ứng Ngày nước Thế giới, Ngày Khí tượng Thế giới, Chiến dịch giờ Trái đất, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện và thành phố triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng rộng rãi sự kiện quan trọng này.
Đại diện cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường như Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, trong bối cảnh này, những cán bộ của ngành KTTV cùng với các cán bộ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, cũng như truyền thông vẫn đang tiếp tục miệt mài cống hiến công sức của mình để góp phần vào công cuộc giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Đây là niềm vui to lớn của tất cả các cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong ngành KTTV, lĩnh vực biến đổi khí hậu, tài nguyên nước nói riêng và của toàn ngành TNMT nói chung.
“Chúng tôi hy vọng rằng, qua buổi lễ phát động này, toàn thể các tổ chức chính trị, xã hội, tất cả người dân, cộng đồng và doanh nghiệp trên toàn quốc “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với nhân dân trên toàn thế giới xây dựng một Trái đất an toàn, phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sẵn sàng phòng, chống thiên tai tích cực và hiệu quả.”