Trước khả năng cơn bão mạnh số 3 vào vịnh Bắc Bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Đông Bắc, chiều 15/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo các lực lượng, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo báo cáo nhanh, đến 16h chiều nay (15/9), vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, 13, giật cấp 15, 16.
Các cơ quan khí tượng trong nước và khu vực dự báo trong 24h tới, vị trí tâm bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến chiều mai, 16/9, tâm bão cách bờ biển Quảng Ninh- Hải Phòng khoảng 260km về phía Đông - Đông Nam, sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 15, 16.
Bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ vào đêm mai (16/9) và rạng sáng 17/9 và có thể suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, theo dự báo của Trung tâm KTTVTƯ.
Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến chiều nay, đã phối hợp với các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 81.924 phương tiện, lồng bè, chòi canh thủy sản/336.498 người trong khu vực bão biết về diễn biến bão để chủ động phòng tránh.
Trong 3 ngày qua, trên cả nước rải rác có mưa, có nơi mưa to và rất to, lượng mưa phổ biến dưới 50mm. Đáng chú ý các tỉnh Bắc Bộ có nơi như Phố Lu (Lào Cai), Thổ Bình (Tuyên Quang), lượng mưa từ 158- 186mm. Trong khi đó, các hồ chứa khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa hiện đang có dung tích trữ tương đối cao, từ 80% dung tích thiết kế trở lên, trong khi các hệ thống thủy lợi lớn ở ĐB Bắc bộ đang ở mức thấp, các đơn vị đang chủ động tiêu nước đệm để phòng, chống úng ngập.
Thông tin từ các địa phương Bắc Bộ cho biết, lúa vụ hè thu đã cơ bản thu hoạch xong diện tích 165.000 ha. Lúa vụ mùa đã gieo cấy gần 1,2 triệu ha.
Sau khi cập nhật thông tin, đánh giá tình hình, diễn biến cơn bão, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ đây là cơn bão lớn, di chuyển nhanh và khu vực tác động rộng, nhất là mưa lớn đi kèm. Vì vậy, tinh thần chỉ đạo trước hết là tiếp tục tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các phương tiện, công trình trên biển có biện pháp ứng phó an toàn. Số tàu thuyền còn thuộc diện thông báo, hướng dẫn trú tránh còn lớn nên cần có ngay những biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ kịp thời.
Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dừng các hoạt động không cần thiết, theo dõi sát diễn biến, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, vùng cửa sông, căn cứ tình hình thực tế để chủ động xác định thời điểm cấm tàu thuyền hoạt động trên biển.
Xác định vùng nguy hiểm từ vĩ tuyến 17 trở lên, trước 17h ngày mai (16/9) các địa phương phải hoàn thành các phương án trú tránh tàu thuyền, sơ tán dân khỏi nơi xung yếu, nguy hiểm; tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình, bố trí trực đảm bảo giao thông, điện, thông tin.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý tới các phương án bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều trước khả năng mưa lớn kèm bão, gây sạt lở, lũ quét và ngập lụt: “Cơn bão số 2 vừa qua, chúng ta ứng phó tốt trên bộ, trên biển nhưng thiệt hại về người vẫn rất đáng tiếc. Các trường hợp chết người ở Lạng Sơn, Sơn La,... đều do đi qua suối, ngầm trong và sau mưa bão thì bị lũ cuốn. Đây là điều phải hết sức chú ý, không được chủ quan để tránh xảy ra những sự việc tương tự”.
Sẽ có 2 Đoàn công tác Trung ương đến các tỉnh trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng bão số 3 để cùng các địa phương chống bão./.
Theo Chinhphu.vn