Xã hội

Sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá: Cách làm độc đáo, hiệu quả

Mai Đan - Hoàng Thía 27/09/2023 - 11:08

(TN&MT) - Tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm đưa những kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào cuộc sống.

Nhận thức rõ điều này, trong nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá bằng hình thức sân khấu hoá thông qua các làn điệu dân ca, chèo, biểu diễn tiểu phẩm… tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

z4727548623128_c6c5eda66099d64698f73570fb2e26ca.jpg
Buổi biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá "Chuyện nhà ông Thân"

Tiểu phẩm truyền thông điệp

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình (Sở Y tế Thái Bình) đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thái Thuỵ thực hiện buổi biểu diễn truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá, trong đó có tiểu phẩm “Chuyện nhà ông Thân”.

Tiểu phẩm này đã làm cho người xem thấu hiểu một phần cảm xúc đau khổ của vợ ông Thân khi có người chồng nghiện thuốc lào, thuốc lá 20 năm và hậu quả sau đó là chính người vợ bị mắc bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính - một sát thủ vô hình đối với người bệnh… Nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này của bà là do thường xuyên tiếp xúc với thuốc lá và hít phải khói thuốc lá thụ động do ông Thân gây ra. Tuyên truyền viên đã đến tuyên truyền cho ông Thân và nhiều người dân địa phương về tác hại thuốc lá và ý nghĩa, lợi ích của việc cai thuốc lá.

Tiểu phẩm đã bao hàm đầy đủ được những kiến thức, không chỉ tuyên truyền những kiến thức về tác hại của khói thuốc lá thông thường mà còn tuyên truyền rõ nét về sự nguy hiểm của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá thế hệ mới. Thông qua tiểu phẩm, các tuyên truyền viên nhấn mạnh việc sử dụng thuốc lá điện tử cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác.

Qua tiểu phẩm, toàn thể chị em đã hiểu đầy đủ hơn về tác hại của khói thuốc lá, một trong những nguyên nhân gây ra 25 loại bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút mà khói thuốc còn ảnh hưởng tới sức khỏe những người xung quanh, gây tổn thất về kinh tế và nhiều hệ luỵ đối với gia đình, xã hội.

Hơn 300 cán bộ, hội viên phụ nữ tại 36 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham dự buổi biểu diễn truyền thông trên. Những quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã được phổ biến cụ thể tại buổi truyền thông.

thuoc-la.jpg
Sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá là cách làm hấp dẫn và hiệu quả

Buổi biểu diễn nhằm mang lại thông điệp “Hãy nói không với thuốc lá”, “Chúng ta cần thực phẩm không cần thuốc lá” và đã được sân khấu hoá với những nét sáng tạo, truyền tải sống động các kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá, không chỉ mang lại những tiếng cười sảng khoái, thư giãn mà còn minh họa một cách chân thực, sống động về tác hại của thuốc lá đối với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bà Mai Thị Duyến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ, sau khi theo dõi tiểu phẩm tuyên truyền chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên người dân và hội viên phụ nữ địa phương chúng tôi được theo dõi truyền thông về chủ đề phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng hình thức tiểu phẩm như này. Thực sự rất ấn tượng, bởi thông qua tiểu phẩm, tất cả chúng tôi đã hiểu được tác hại khôn lường của việc hút thuốc lá, thuốc lào, nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người hít phải. Sau buổi tuyên truyền này, bản thân tôi và các hội viên sẽ về khuyên nhủ người thân và những người xung quanh sớm từ bỏ thuốc lá và cùng nói không với thuốc lá...”

Đến nay, 90 - 95% sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh Thái Bình đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá và có kế hoạch xây dựng môi trường không khói thuốc (tăng 26% so với năm 2015); 100% cơ quan, đơn vị đã đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ; 94% cơ quan, đơn vị có gắn biển báo cấm hút thuốc lá; 100% trường học, bệnh viện đưa hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch, báo cáo năm, ký cam kết thực hiện môi trường không khói thuốc, đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào quy chế thi đua, khen thưởng; 100% bệnh viện đã treo các pa nô, biển báo về cấm hút thuốc lá.

Ưu tiên truyền thông về cai thuốc lá, tiến tới giảm hút

Bác sĩ CKII Lưu Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết: Trong thời gian qua, nhờ chú trọng hoạt động truyền thông nên tỷ lệ hút thuốc lá của người dân đã giảm đáng kể. Đã có nhiều vở kịch, vở chèo, nhiều hội thi được xây dựng và biểu diễn tuyên truyền tại trường học, tại hội nghị của cơ quan, đơn vị, đoàn thể và cộng đồng dân cư.

Trong thời gian tới, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ tiếp tục ưu tiên các lĩnh vực truyền thông về cai thuốc lá, tiến tới giảm hút; lồng ghép xây dựng phong trào xây dựng làng văn hóa - sức khỏe với xây dựng cộng đồng dân cư không có người hút thuốc; đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hàng năm, quy định không hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám tang, đám cưới, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; tiếp tục tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Với những thông điệp được truyền tải về tác hại của thuốc lá gây ra, lợi ích của việc xây dựng môi trường không khói thuốc, những người đang hút thuốc cai thuốc lá càng sớm càng tốt, truyền thông thông qua hình thức biểu diễn tiểu phẩm tại cộng đồng đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân trong giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, vận động gia đình, cộng đồng từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá, thuốc lào vẫn đang phổ biến hiện nay.

Hoạt động truyền thông hiệu quả này, hàng năm vẫn được Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Thái Bình duy trì thực hiện tại các huyện, thành phố để mỗi người xem sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong phong trào xây dựng “môi trường không khói thuốc lá” tại mỗi gia đình và địa phương nơi mình sinh sống và làm việc.

Kết quả nghiên cứu về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho thấy, nếu như năm 2015 tỷ lệ hút thuốc nam giới là 47,2%, nữ giới là 0,5% thì đến năm 2018 tỷ lệ này ở nam là 45,3%, ở nữ là 0,4%, giảm 1,9% ở nam và 0,1% ở nữ. Toàn tỉnh đã xây dựng được mô hình điểm về phòng, chống tác hại của thuốc lá và nhân rộng thêm ở 8 bệnh viện, 95 trường học, 78 địa phương. Tỷ lệ người bỏ hút thuốc lá năm 2021 - 2022 tại các sở, ban, ngành đạt 8,6%, riêng ngành y tế đạt 28,9%.

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết,
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Ủy viên thư ký Ban Chỉ đạo
PCTHCTL tỉnh về kết quả PCTHCTL

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá: Cách làm độc đáo, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO