San hô chết hàng loạt ở biển Great Barrier Reef của Úc

29/11/2016 00:00

(TN&MT) – Ngày 29/11, các nhà khoa học khảo sát rạn san hô cho biết trong 9 tháng qua, hai phần ba dải san hô dài 700 km đã bị chết tại vùng biển ấm quanh Great Barrier Reef của Úc. Đây là hiện tượng san hô chết hàng loạt tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong lịch sử di sản thế giới.

Phát hiện của các nhà khoa học về hiện tượng chết hàng loạt của rạn san hô ở phía bắc là một cú sốc lớn đối với ngành du lịch tại rạn san hô đó.

Giáo sư Andrew Baird, nhà nghiên cứu tại Đại học James Cook, người tham gia cuộc khảo sát rạn san hô này cho biết hiện tượng rạn san hô chết hàng loạt "gần như chắc chắn" là hiện tượng tồi tệ nhất từng được ghi nhận ở bất cứ đâu vì rạn san hô Barrier Reef với kích thước 348 nghìn km2 là rạn san hô lớn nhất thế giới.

Hiện tượng “tẩy trắng san hô” xảy ra khi nước biển quá nóng, buộc san hô phải trục xuất tảo sống, khiến san hô hóa vôi và chuyển sang màu trắng. Các rạn san hô bị tẩy trắng có thể không bị chết và có thể bình phục nếu nhiệt độ nước biển giảm xuống và theo khảo sát, điều này xảy ra ở khu vực phía nam của rạn san hô, nơi tỷ lệ san hô chết thấp hơn nhiều.

Trong khi hiện tượng “tẩy trắng san hô” xảy ra một cách tự nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng nhiệt độ nước biển gia tăng gây ra bởi sự nóng lên toàn cầu sẽ làm tăng thiệt hại, khiến các hệ sinh thái dưới nước nhạy cảm không thể phục hồi.

Người thợ lặn trong khu vực Coral Gardens gần Đảo Lady Elliot ở Great Barrier Reef, phía đông bắc của thành phố Bundaberg, Queensland, Úc vào ngày 11/6/2015. Ảnh: REUTERS / David Gray
Người thợ lặn trong khu vực Coral Gardens gần Đảo Lady Elliot ở Great Barrier Reef, phía đông bắc của thành phố Bundaberg, Queensland, Úc vào ngày 11/6/2015. Ảnh: REUTERS / David Gray

Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) tạm dừng việc đưa rạn san hô Great Barrier Reef vào cảnh báo "nguy hiểm" trong danh sách hồi tháng 5/2016, nhưng yêu cầu chính phủ Úc sớm đưa ra bản cập nhật về tiến độ bảo vệ rạn san hô này.

Một phát ngôn viên của Bộ trưởng Môi trường Úc Josh Frydenberg cho biết Úc sẽ gửi bản cập nhật đó vào ngày 2/12 tới. Hồi tháng 6/2016, trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cam kết chi 1 tỷ AUD để bảo vệ các rạn san hô.

Các nhà khoa học về khí hậu cho rằng lượng CO2 gia tăng tạo ra sự ấm lên toàn cầu. Úc là một trong những nước phát thải cácbon lớn nhất thế giới do phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện đốt than.

Nhà môi trường học Charlie Wood, Giám đốc của Phong trào chống nhiên liệu hóa thạch 350.org nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu đang giết chết Great Barrier Reef”.

Mai Đan

Tổng hợp từ Reuters

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
San hô chết hàng loạt ở biển Great Barrier Reef của Úc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO