Sắc xuân ở một làng chài

Thục Vy| 31/01/2022 16:22

Ánh mặt trời vừa ló rạng, những chiếc thuyền thúng nối nhau vào bờ, nhộn nhịp những bóng người gom lưới, thu cá. Trong khung cảnh bình minh thanh bình trên bãi biển Phước Hải (thị trấn Phước Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xôn xao tiếng nói, tiếng cười cùng không khí lao động khẩn trương của ngư dân nơi đây.

Mùa lộc biển
Tờ mờ sáng, chị Lê Thị Linh (42 tuổi) cùng cô con gái 15 tuổi đã có mặt tại bãi biển để đón thuyền cá của chồng sau một đêm ra khơi đánh bắt. Đây là công việc hàng ngày của chị Linh, cũng như những người phụ nữ khác ở vùng biển này. Thấy chiếc thuyền thúng quen thuộc của chồng cập bến, mẹ con chị Linh vội chạy đến phụ chồng di chuyển thuyền vào sâu trong bãi cát. Cả gia đình cười giòn tan, cùng nhau gỡ những con cá mắc đầy trong lưới.
Dân làng chài Phước Hải chủ yếu đánh bắt gần bờ. Biển Phước Hải có nhiều cá trích, cá nhỏ, tuy giá không cao nhưng chế biến được nhiều món nên thương lái thu mua đều đều. Mỗi ngày ra khơi mỗi gia đình đều kiếm được vài trăm ngàn trang trải cuộc sống.

a3.-bam-bien-muu-sinh.jpg
Bám biển mưu sinh là công việc của nhiều ngư dân làng chài Phước Hải.


“Cái nghề lấy công làm lãi, chỉ cần chiếc thuyền thúng, mái chèo là có thể ra khơi. Năm nay, dù tình hình chung khó khăn, nhưng gia đình tôi cũng dành dụm được một ít để sắm quần áo mới cho con, mua đồ Tết. Cả năm vất vả rồi, phải cho gia đình có một cái Tết ấm no, vui vẻ”, vừa thoăn thoắt cầm một đầu lưới gỡ cá, chị Linh vừa chia sẻ.
Với người dân làng chài, một ngày đánh bắt gần bờ bắt đầu từ giữa đêm về sáng. Những ngày cuối năm 2021, những chuyến ra khơi càng đều đặn hơn, ai cũng mong muốn kiếm thật nhiều cá để gia đình có thêm chút tiền sắm sanh ngày Tết. Cứ mỗi chuyến cá đầy ắp vào bờ, khung cảnh nơi đây lại trở nên nhộn nhịp. Những người phụ nữ nhịp nhàng tách những con cá trích dày mình, lấp lánh vẩy trắng dưới ánh mặt trời ra khỏi lưới và phân loại vào từng giỏ. Sau đó, thương lái tới cân cá, trả tiền và chở cá vào chợ.
Ở làng chài Phước Hải, người dân hầu hết đều làm nghề biển, có gia đình đã truyền đến tận 4 - 5 đời. Hàng ngày, đàn ông thường ra biển đánh bắt, phụ nữ ở nhà nội trợ và phụ gỡ lưới, làm cá, làm khô… Anh Nguyễn Thanh An, một ngư dân sống với nghề biển đã hơn 15 năm tại đây cho biết, cả gia đình sống nhờ biển, con cái học hành cũng từ nguồn lộc biển. Vợ chồng anh chỉ mong cho mỗi ngày đều trúng được cá, tôm kha khá đủ sống, đủ nuôi gia đình là hạnh phúc.
Người dân Phước Hải rất trân quý biển, bởi biển cho lộc hàng ngày. Để giữ gìn lộc biển, các ngư dân đều đánh bắt bằng lưới, không dùng các phương pháp đánh bắt tận diệt. Lối đánh bắt thủ công này dù may rủi nhưng đây là cách để họ giữ nguồn tài nguyên biển cho muôn đời sau.
Thay da đổi thịt ở làng chài trăm tuổi

Những lão ngư phủ gắn bó gần ngót thế kỷ với làng chài này cho hay, làng chài Phước Hải có từ khoảng 300 năm trước…, hình thành theo bước đường của bà con ngư dân từ các tỉnh miền Trung dọc theo bờ biển về đây lập nghiệp sinh sống. Đến nay, làng chài đã “thay da đổi thịt”, đời sống ngư dân đang ngày một khấm khá lên. Biển Phước Hải không chỉ đẹp, nhiều tôm cá mà những ngư dân sống ven biển Phước Hải bao đời nay còn nổi tiếng cần cù, chịu thương chịu khó.

a1.-phu-nu-cho-don.jpg


Chẳng vậy mà, từ sáng sớm đến chiều muộn, biển Phước Hải luôn nhộn nhịp người lao động kiếm sống nhờ vào nguồn lợi từ mẹ biển bao la. Mỗi chuyến ra khơi của những người đàn ông “sức dài vai rộng” luôn mang theo hy vọng, mong chờ về một chuyến đi an toàn, bội thu của các mẹ, các chị và những người thân đang ở lại trên bờ. Điều đặc biệt ở làng chài Phước Hải là đa số các chuyến biển đều không đánh bắt xa bờ bằng tàu thuyền lớn, mà chỉ chủ yếu bằng thuyền thúng. Ngư dân chỉ đánh bắt trong phạm vi khoảng 3 hải lý gần bờ và trở về ngay trong buổi sáng.
Gắn bó với biển và biển đã mang lại cuộc sống ấm no cho con người, vì vậy ngư dân làng chài Phước Hải luôn biết ơn biển. Vào ngày 16, 17 tháng 2 âm lịch hàng năm, ngư dân lại long trọng tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải để cầu mong may mắn, bình an. Ngư dân Phước Hải từ lâu đã xem lễ hội Nghinh Ông cũng là ngày mở cửa biển ra khơi, bắt đầu mùa làm ăn mới. Lễ hội được duy trì hàng năm nhằm giúp các thế hệ con cháu, ngư dân mãi ghi nhớ, hướng về nguồn cội và thêm ý thức tiếp nối giữ gìn bản sắc văn hóa mà bao thế hệ cha ông vun đắp.
Hiện nay, với hơn 70% dân số sống bằng nghề đánh bắt, làm khô cá, làng chài Phước Hải được địa phương đầu tư, chuẩn bị cho phát triển mạnh về đánh bắt xa bờ và các dịch vụ nghề cá. Từ phương tiện nhỏ như thuyền thúng, buồm chéo, máy móc thô sơ đánh bắt ven bờ nên sản lượng thu hoạch còn hạn chế, đến nay, làng chài Phước Hải đã có hàng trăm phương tiện hiện đại đánh bắt xa bờ, sản lượng thu hoạch hàng năm hàng chục ngàn tấn. Tuy nhiên, phần đông ngư dân nơi đây vẫn dùng thuyền thúng làm phương tiện chính.
Mỗi năm, làng chài Phước Hải cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn khô cá các loại. Số lượng nhân công theo nghề thật phong phú và đa dạng, ai ai cũng hăm hở và tất bật với nghề. Họ có thể là người địa phương, cũng có thể là người dân từ khắp các vùng miền khác nhau từ Bắc - Trung - Nam đến làm thuê làm mướn. Khô cá Phước Hải cũng vì thế mà vươn ra thị trường, không chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn các vùng khác trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc xuân ở một làng chài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO