Sắc xanh trên những cung đường biên giới

Phạm Hoạch| 31/01/2023 12:45

(TN&MT) - Xuân nay, dọc trên những cung đường biên giới tỉnh Quảng Ninh trải dài từ huyện Bình Liêu đến thành phố địa đầu Móng Cái, màu xanh của những cánh rừng gỗ lớn được điểm xuyết thêm sắc đỏ của hoa đào, sắc trắng tinh khôi của hoa sở. Vẻ đẹp vừa phóng khoáng vừa nên thơ, báo hiệu cuộc sống ấm no của người dân vùng biên giới.

Từ một chủ trương đúng đắn

Trong tiết trời rét căm căm, trên cung đường tuần tra biên giới của tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi được chiêm ngưỡng những cánh rừng hồi, quế cùng rừng lim, lát, dổi đang vươn mình mạnh mẽ trong gió Đông, báo hiệu một mùa Xuân đang về bởi sắc đỏ của những cánh đào miền biên giới nở sớm.

11-1-.jpg

Cán bộ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuyên truyền tới người dân xã Hải Sơn về chăm sóc, bảo vệ rừng, giữ màu xanh quê hương.

Những cánh rừng gỗ lớn kết hợp với các cây dược liệu bản địa cho giá trị kinh tế như cao trà hoa vàng, đẳng sâm, nhân sâm tím đang là hướng đi đúng đắn ở các huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu trồng 5.000ha rừng gỗ lớn.

Đồng Văn vốn là xã nghèo của huyện biên giới Bình Liêu. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ cây keo gỗ sang trồng hồi, quế là những cây thế mạnh của địa phương kết hợp trồng rừng gỗ lớn lim, dổi cho giá trị kinh tế cao, người dân xã Đồng Văn đã có thu nhập ổn định.

Trưởng thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn, Tằng Dảu Tình hồ hởi khoe, những năm trước đây, đời sống của bà con trong thôn còn nhiều khó khăn, 100% bà con là người dân tộc thiểu số, số hộ nghèo còn nhiều. Nhờ mạnh dạn trồng cây quế, hồi, kết hợp cây dược liệu bản địa và phát triển rừng gỗ lớn, người dân vươn lên phát triển kinh tế, từng bước đẩy lùi đói nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Từ một hộ có đời sống kinh tế khó khăn, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cũng như họ hàng trong bản, gia đình ông Tằng Hoàng Phúc ở thôn Phai Lầu đã mạnh dạn đầu tư trồng gần 10ha quế, hồi kết hợp trồng rừng gỗ lớn lim, dổi. Đến nay, diện tích rừng quế, hồi cho thu nhập hơn 200 triệu/năm, đã giúp cho gia đình ông Phúc trở thành hộ khá giả trong thôn.

Còn tại huyện miền núi Hải Hà, hưởng ứng chủ trương trồng cây gỗ lớn, đến nay, địa phương đã trồng được trên 160ha lim, lát, dổi. Phát huy tình quân dân, Chi đoàn Đồn Biên phòng Quảng Đức phối hợp với Huyện Đoàn Hải Hà tổ chức phát động, vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn tham gia trồng được gần 4.000 cây lim, dổi dọc tuyến đường vành đai biên giới đơn vị phụ trách, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con vùng biên giới, góp phần tạo thành bức tường xanh điều hòa khí hậu.

Phát triển trồng rừng cây gỗ lớn lim, dổi, lát, sồi ở Quảng Ninh là chủ trương đúng đắn, với mục tiêu mang lại lợi ích kép vừa nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, giảm nghèo bền vững, vừa góp phần điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để vùng biên mãi xanh

Rừng được ví như lá phổi xanh của con người và nhân loại, vì vậy, việc trồng, chăm sóc, phát triển và bảo vệ rừng luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng và triển khai hiệu quả. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ có diện tích trồng rừng gỗ lớn gần 12.900ha, trong đó, có gần 9.000ha rừng trồng và trên 3.800ha rừng chuyển hóa. Tính đến hết tháng 10/2022, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện trồng rừng gỗ lớn vượt kế hoạch tỉnh giao, với diện tích gần 2.200ha (tỉnh giao 2.000ha năm 2022).

11-2-.jpg

Mùa vàng đem lại cuộc sống no đủ cho người dân vùng biên giới tỉnh Quảng Ninh.

Để đạt mục tiêu đề ra, Quảng Ninh đã tập trung tuyên truyền, triển khai nhiều mô hình trồng rừng phù hợp, chủ động huy động nguồn lực hỗ trợ tại chỗ, cũng như có chính sách hỗ trợ kịp thời để đẩy nhanh chương trình trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Đồng thời, đối với chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu/ha. Đối với chính sách hỗ trợ chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vật tư và 50% chi phí nhân công, chăm sóc, bảo vệ đối với diện tích rừng để đạt tiêu chí rừng phòng hộ; mức hỗ trợ tối đa không quá 45 triệu đồng/ha.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Phúc Vinh - Phó Chủ tịch UBND TP. Móng Cái cho biết, hưởng ứng chủ trương trồng rừng gỗ lớn, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với việc phát huy thế mạnh của cây hồi, quế, sở, vận động bà con mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn tạo sinh kế lâu dài, vừa bảo vệ nguồn nước đầu nguồn, phòng chống thiên tai, bão lũ.

Nằm cách trung tâm TP. Móng Cái gần 30 cây số, từ một xã với vô vàn khó khăn, nay Hải Sơn như được “lột xác” với những căn nhà khang trang, cuộc sống của bà con ngày một no đủ. Con đường quanh co uốn lượn dẫn chúng tôi đi qua những cánh rừng xanh thẫm, điểm xuyết màu trắng tinh khôi của những cánh rừng hoa sở ngát hương. Trên mảnh đất cằn sỏi đá, nhờ công sức, trí tuệ của bà con xã Hải Sơn, màu xanh của những cánh rừng gỗ lớn nơi đây như đang vươn ra mãi, trở thành màu xanh của sự sống, của bình yên.

Bà Nguyễn Thị Minh ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn hồ hởi khoe: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Đồn Biên phòng Pò Hèn, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư trồng rừng gỗ lớn, kết hợp chăn nuôi gà, lợn. Nhờ thu nhập từ rừng, gia đình tôi vừa có nguồn thu nhập ổn định, không còn đói khổ như trước, vừa góp phần gìn giữ màu xanh cho quê hương”.

Đi giữa màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng hồi, quế, rừng gỗ lớn với cây lim, lát, dổi đang vươn mình mạnh mẽ trong tiết trời sắp vào xuân, những làn khói ấm chuẩn bị cho bữa cơm chiều lan tỏa ra từ những ngôi nhà khang trang bên những cánh rừng xanh ngát, báo hiệu một cuộc sống no đủ của bà con miền biên giới Quảng Ninh - vùng đất phên giậu địa đầu của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc xanh trên những cung đường biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO