Sắc xanh những cánh rừng cộng đồng

Ghi chép của Đình Tiệp| 03/11/2022 10:47

(TN&MT) - Đến huyện miền núi Tương Dương (tỉnh Nghệ An), không ít người đã rất ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nguyên sinh của những cánh rừng cổ thụ như rừng săng lẻ ở xã Tam Đình, rừng đinh hương ở bản Cửa Rào (xã Xá Lượng) và bản Na Hang (xã Mai Sơn).

Những cánh rừng nguyên sinh là “tấm thảm” giữ nguồn nước ổn định giúp người dân duy trì sản xuất, là “lá chắn” ngăn sạt lở, ngăn đói nghèo và hiểm nguy từ thiên tai rình rập. Người dân nơi đây giàu có lên nhờ rừng, bản sắc văn hóa nơi đây cũng giàu có hơn bởi Hương ước giữ rừng.

Gìn giữ rừng thiêng

Ngược QL 7A về miền Tây xứ Nghệ gần 200km, chúng tôi tới xã Tam Đình (huyện Tương Dương), nơi từ lâu đã nổi tiếng với khu rừng săng lẻ cổ thụ với diện tích lên đến 241ha; đây là khu rừng nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận năm 2007. Được biết, đây là khu rừng nguyên sinh hoàn toàn bằng loài cây săng lẻ còn sót lại từ hàng trăm năm về trước.

13-4-.jpg

Theo các bậc cao niên kể lại, kể từ khi họ lớn lên đã thấy khu rừng. “Từ khi lên 7, lên 8, tôi đã nhìn thấy khu rừng săng lẻ như bây giờ. Trước đây, diện tích khu rừng rộng lớn hơn nhiều nhưng theo thời gian, đến nay, còn giữ lại được hơn 200ha. Dân bản bây giờ rất tự hào vì vẫn còn giữ được khu rừng quý và đẹp như vậy”, Cụ Vi Văn Mân (85 tuổi), ở bản Bình Quang, xã Tam Đình tự hào kể.

Khu rừng săng lẻ nằm hai bên QL 7A, cách trung tâm xã Tam Đình khoảng 3km. Đám rừng săng lẻ cổ thụ với những cây to san sát, thẳng đứng khép tán tạo nên bầu không khí trong lành. Hầu hết, những cây săng lẻ đều có đường kính lớn vì đã hàng trăm năm tuổi, cá biệt, có cây săng lẻ lớn với đường kính đến hơn 1 mét. Dưới tán cây cổ thụ là lớp thực bì mỏng quanh năm được người dân bản phát dọn để tạo điều kiện thuận lợi cho khu rừng phát triển tốt nhất.

Nhiều già bản cho biết, sở dĩ giữ được khu rừng là vì người ta xem khu rừng này là “rừng mồ”. Ngày xưa các cụ qua đời được dân bản chôn cất, mai táng trong khu rừng này nên khu rừng này rất thiêng và không ai dám vào chặt. Cụ Lương Văn Mầu (83 tuổi) ở bản Quang Thịnh, cho biết: “Không ai dám chặt cây rừng cả. Cả những người ở xa đến và những người dân địa phương. Những người càng ở gần, hiểu chuyện, càng sợ hơn”.

13-2-.jpg

Người dân cho biết thêm, trước đây khu rừng này vẫn có người lẻn vào chặt trộm. Thế nhưng, từ nhiều năm trở lại đây, do sự bảo vệ gắt gao của dân bản và cơ quan chức năng với việc giao khoán cho nhiều hộ gia đình bảo vệ nên tình trạng chặt phá đã không còn. Nhìn khu rừng cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm, dân bản cũng mừng và tự hào vô cùng.

Được biết, để bảo vệ và phát triển khu rừng quý này, các ngành chức năng huyện Tương Dương đã lập hồ sơ để trình cấp trên công nhận là khu rừng đặc dụng và hiện đã được công nhận là rừng đặc dụng để có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt hơn, đồng thời cũng trồng thêm để mở rộng diện tích.

Rừng đinh hương cổ thụ quý hiếm

Mai Sơn là xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Men theo những lối mòn với cây dại chằng chịt, chúng tôi vào khu vực rừng đinh hương ở bản Na Hang, chứng kiến hàng loạt cây đinh hương lớn, nhỏ mọc kín cả cánh rừng. Nhiều cây cao tới 20 - 30m, tán che mát cả một vùng rộng lớn.

13-3-.jpg

Theo người dân Na Hang, vào những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, cũng như nhiều khu rừng khác ở Nghệ An, khu rừng đinh hương của bản liên tục bị lâm tặc đột nhập. Nhiều cây đinh hương quý có tuổi đời hàng trăm năm bị đốn hạ không thương tiếc. Trước nguy cơ khu rừng đinh hương bị xóa sổ, năm 1994, người dân bản Na Hang đã tự nguyện lập hương ước bảo vệ khu rừng. Từ đó, người dân đều có ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng đinh hương.

Ông Lương Văn Kế - người dân bản Na Hang cho biết: "Dân bản ai cũng chấp hành hương ước, nhờ vậy mà khu rừng đinh hương quý không bị chặt phá nữa. Nếu không có hương ước thì khu rừng khó được bảo vệ tốt như vậy".

Theo người dân địa phương, cánh rừng nguyên sinh hơn 100ha do người dân bản Na Hang khoanh nuôi, bảo vệ hiện có hơn 100 cây đinh hương từ 70 - 80 năm tuổi trở lên; riêng những cây nhỏ vài năm đến vài chục tuổi không đếm xuể.

13-1-.jpg

Rừng săng lẻ ở Tam Đình có diện tích 241ha, đây là khu rừng hiếm còn giữ được nguyên sinh đến ngày hôm nay. Các khu rừng đinh hương quý ở bản Na Hang và bản Cửa Rào cũng là "của hiếm" mà đến nay Tương Dương còn gìn giữ và bảo vệ được. Một khi người dân đã đồng lòng, những cánh rừng sẽ được bảo vệ. Sắc xanh của những cánh rừng cộng đồng, những cánh rừng hương ước sẽ mãi trường tồn với thời gian, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân có thêm sinh kế để giảm nghèo.

Ông Nguyễn Hải Âu -

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương

Để bảo vệ khu rừng đinh hương quý, đội tuần tra (5 - 6 người) của bản Na Hang thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát. Ông Kha Văn Ót - Trưởng bản Na Hang, bày tỏ: "Khu rừng đinh hương là tài sản chung của cả bản. Tất cả người dân trong bản đều có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ khu rừng. Nhiều năm nay, không có cây đinh hương nào ở Na Hang bị chặt phá. Chỉ những cây chết, gãy, người dân mới mang về làm nhà".

Ông Lô Thị Hương - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn khẳng định: "Nhờ hương ước bảo vệ rừng và việc người dân thường xuyên tổ chức tuần tra mà khu rừng đinh hương ở bản Na Hang đã được bảo vệ nguyên vẹn. Giờ đây, không chỉ Na Hang mà người dân các bản khác trong xã cũng đồng lòng bảo vệ khu rừng gỗ quý của địa phương mình".

Không chỉ khu rừng đinh hương ở bản Na Hang được người dân chung tay gìn giữ, một khu rừng đinh hương khác cũng thuộc diện "của hiếm" tại huyện Tương Dương là khu rừng đinh hương ở bản Cửa Rào, xã Xá Lượng.

Được biết, từ năm 1994, bản đã họp bàn và thống nhất bảo vệ rừng đinh hương theo hình thức cộng đồng. Bản đưa ra các quy định nghiêm cấm, tuyệt đối bà con không được vào rừng chặt gỗ làm nhà, tất cả dân bản đều có trách nhiệm phải bảo vệ cánh rừng. Quy ước bất thành văn ấy bao năm nay vẫn được chính người dân đề ra, rồi thực hiện, thế nên, từ những đứa trẻ chăn trâu của bản Cửa Rào cũng luôn có ý thức bảo vệ rừng...

Chị Lương Thị Thùy - ở xã Xá Lượng, rất tự hào về cánh rừng trên quê hương của mình: Rừng đinh hương đã có từ 40 - 45 năm tuổi, nhiều cây đạt đường kính từ 80 - 100cm. Khi cánh rừng tái sinh đinh hương được dân bản bảo vệ tốt thì ngoài việc tốt cho môi trường sinh thái, nguồn nước trong khe suối chảy ra ổn định, bà con có nước để sản xuất ruộng nước. Đặc biệt nhiều năm qua, bà con không phải lo nạn sạt lở núi, nhiều khách tham quan du lịch đi trên QL 7A đều dừng chân chụp ảnh, chiêm ngưỡng sắc xanh của cánh rừng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc xanh những cánh rừng cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO