Xã hội

Rừng "gọi mưa" về

Bút ký của: Lang Đình Tiệp - Ngọc Minh Châu 09/02/2024 18:59

(TN&MT) - Hành trình hơn 20 năm - Khoảng thời gian không ngắn mà cũng chưa phải quá dài với nghề “trồng cây gây rừng”.

rung-goi-mua-ve-1-.png

Hành trình hơn 20 năm - Khoảng thời gian không ngắn mà cũng chưa phải quá dài với nghề “trồng cây gây rừng”. Thế nhưng, những thành quả mà cô Trần Thị Lành cùng cộng sự làm được bên thượng nguồn sông Ngàn Phố (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) chẳng khác nào một “kỳ tích” khiến ai biết đến cũng không khỏi ngỡ ngàng. “Kỳ tích” ấy đã được nhiều người gói gọn trong câu nói… “ Rừng gọi, mưa đã về Ngàn Phố”.

pv-duoi-goc-lim-20-nam-tuoi(3).jpg
ban-sao-cua-chat-luong-nuoc-mat-moi-lo-ngai-lon-2-.png

Cô Lành đã ở cái tuổi lục tuần. Dáng cô nhỏ gầy nhưng trong cô tràn đầy năng lượng một cách kỳ lạ. Cô đón chúng tôi trong một ngày mưa lạnh cuối năm bên dòng sông Ngàn Phố, nơi không xa biên giới Việt - Lào.

Sinh ra và lớn lên tại làng Tứ Mỹ, xã Sơn Châu (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), từ bé, cô Lành đã gắn bó với núi rừng Hương Sơn hùng vỹ. Và, có lẽ cũng vì lý do đó đã hun đúc nên ở cô một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu sắc xanh của núi rừng đến vậy.

Trong câu chuyện với chúng tôi, cô tràn đầy năng lượng kể không ngừng nghỉ về chuyện đời, chuyện công việc cũng như những chuyến “lang thang” từ Nam chí Bắc lẫn đến tận những quốc gia xa xôi bên trời Âu để gặp, học hỏi các Giáo sư, Tiến sỹ đầu ngành về lâm nghiệp, nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên…

“Khoảng những năm 80, 90 của thế kỷ trước, rừng rú bị con người tác động không thương tiếc. Những cánh rừng già bạt ngàn không ngừng bị chặt phá để lấy gỗ, lấy đất sản xuất. Và, từ một màu xanh bạt ngàn của núi rừng bao năm chở che cho người dân đã dần bị thay thế bằng những cánh rừng nghèo, đồi trọc” - Cô Lành xót xa nhớ lại.

ba-lanh-say-sua-ke-chuyen.jpg
Cô Lành say sưa kể chuyện

Đó là thực trạng chung của nhiều địa phương vào thời điểm ấy và ở huyện miền núi Hương Sơn cũng không phải là ngoại lệ. Trong những chuyến công tác tất bật của mình, cô Lành không ít lần về quê rồi theo Quốc lộ 8A sang Lào. Khi đó, nhìn những cánh rừng của quê hương không ngừng ngã xuống, cô đã không khỏi xót xa, tiếc nuối. Với kiến thức vốn có về ngành lâm nghiệp, bảo tồn, chứng kiến rừng bị mất khiến cô đau đầu, trằn trọc nhiều đêm không ngủ. Từ đó, trong cô nung nấu ý tưởng phải làm gì đó để cứu lấy những cánh rừng, cứu lấy “Mẹ Thiên nhiên”…

Nói là làm. “Khi đó tôi liên hệ với chính quyền địa phương từ xã, huyện đến tỉnh mong sẽ được giao một số diện tích đất rừng nhất định để làm công tác bảo vệ, bảo tồn. Thế nhưng, dù các cấp đều ủng hộ ý tưởng của tôi nhưng khi đó họ lại muốn giao cho tôi những khu vực “rừng giàu”. Tôi thấy nếu nhận “rừng giàu” thì công tác bảo tồn sẽ thuận lợi hơn, nhưng quả thực tôi nghĩ khác”.

Cái “khác” của cô Lành ở đây chính là cô muốn nhận những diện tích rừng “nghèo”, đất trống đồi trọc đã bị phá. Sau đó, cô sẽ tiến hành trồng lại rừng cũng như bảo tồn những cánh rừng còn sót lại để thể hiện quyết tâm cũng như ý tưởng, tâm huyết của mình với rừng núi, thiên nhiên là đúng đắn.

“Hồi đó, khi lên Sơn Kim để nhận đất thì chính quyền nói sẽ giao cho tôi những diện tích “rừng giàu”. Tôi lập tức từ chối và yêu cầu được nhận những diện tích rừng nghèo kiệt để thực hiện công việc của mình. Khi đó nhiều người đã rỉ tai nói tôi bị điên…” - Cô Lành, nhớ lại.

Sau khi không tìm được “tiếng nói chung”. Trong tâm trạng chẳng mấy vui vẻ, tại buổi cơm trưa chia tay núi rừng Hương Sơn, cô thấy các món ăn được giới thiệu hoàn toàn là món “đặc sản” của miền rừng núi như sóc, nhím, chim… và đều được “khoe” là săn bắt ở trong các khu vực rừng bản địa. Thế là sau bữa cơm “định mệnh” ấy, “ngọn lửa” quyết tâm nhận đất giữ rừng, bảo tồn thiên nhiên của cô lại tiếp tục “bùng cháy”.

Ngay sau bữa cơm trưa ấy, cô Lành một mình đi khảo sát ven sông Ngàn Phố, đi bộ dọc theo sông. Khi đó, cô vô tình nhìn thấy những bãi tập kết hàng lậu được đưa từ bên Lào về qua đường tiểu ngạch. Đến buổi chiều, những đàn trâu kéo gỗ từ thượng nguồn sông về cũng minh chứng rằng, những cánh rừng đang bị phá hoại nghiêm trọng.

“Tôi lóe lên ý tưởng là phải “lấy” cho bằng được khu vực này để trồng và bảo vệ rừng, chấm dứt nạn phá rừng và đồng thời cắt đứt khu tập kết hàng lậu buôn bán qua biên giới đã gây nhức nhối, mất an ninh trật tự tại địa phương bấy lâu nay” - Cô Lành, cho hay.

Bác Trần Quốc Việt - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1, Trưởng mạng lưới nông dân nòng cốt của Khu bảo tồn nhớ lại ý tưởng “sốc” của cô Lành. Bác nói với chúng tôi rằng: “Ai cũng lắc đầu bảo chị Lành khi đó chắc bị điên mất rồi, việc nhẹ, việc dễ thì không thích mà lại chọn đâm đầu vào bụi…”.

o-viet-va-ba-lanh.jpg
Bác Trần Quốc Việt và cô Lành kể lại câu chuyện trồng và bảo vệ rừng
a.png

Cô Lành nhớ lại, do may mắn có được sự ủng hộ từ các cấp, các ngành nên thủ tục nhận khu đất để thực hiện dự án sau đó diễn ra khá thuận lợi. Đến năm 2002, sau khi đã hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ liên quan đến dự án, công việc được cô Lành và cộng sự lập tức bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, mọi sự khởi đầu đều sẽ gian nan, vất vả. Dự án Trung tâm nghiên cứu sinh thái nhân văn vùng cao cũng không phải là ngoại lệ. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai” - Cô Lành cười hiền nhìn chúng tôi.

ba-lanh-va-pv-bao-tn-mt-o-dau-nguon-song-ngan-pho.jpg
Cô Lành và phóng viên Báo TN&MT ở đầu nguồn sông Ngàn phố

Rồi người phụ nữ tràn đầy năng lượng chậm rãi, kể thêm rằng: Tháng 5/2002, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã ra Quyết định 455/QĐ-LHH - Phê duyệt Luận chứng “Nghiên cứu và phát triển mô hình bảo tồn tính đa dạng sinh học và phát triển bền vững tài nguyên rừng tại lưu vực đầu nguồn sông Ngàn Phố, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh” do Trung tâm nghiên cứu sinh thái nhân văn vùng cao (viết tắt là CHESH, nay là Khu bảo tồn sinh thái nhân văn vùng cao - HEPA) đề xuất.

ban-sao-cua-chat-luong-nuoc-mat-moi-lo-ngai-lon-1-.png

“Ban đầu, thật sự là rất khó khăn. Mọi thứ bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh cháu ạ. Diện tích của Khu bảo tồn trên giấy tờ được cấp cho chúng tôi là 285ha nhưng thực tế là 310ha. Khu đất rộng là thế nhưng số diện tích rừng đã bị tàn phá từ nhiều năm trước gần như biến nơi đây thành vùng đất trống, đồi trọc cả. Chỉ còn lèo tèo một ít cây bản địa còn sót lại. Một mớ công việc hỗn độn trước mắt khiến cho tôi và các cộng sự có buổi ban đầu làm việc hết công suất” - cô Lành kể.

Đầu tiên, cô phải tập hợp những con người yêu thiên nhiên, yêu rừng núi thật sự để làm việc. Và không thể không kể đến sự vào cuộc giúp đỡ của chính quyền các cấp. Thế là Tổ quản lý bảo vệ rừng được thành lập. Hàng ngày, Tổ quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra rừng. Bên cạnh đó, Tổ cũng phối hợp với với các đơn vị trên địa bàn như Công an huyện Hương Sơn, Đồn biên phòng Cầu Treo, Kiểm lâm và chính quyền xã Sơn Kim 1 thành lập Ban liên ngành nhằm kiểm tra bảo vệ rừng và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong vùng về tầm quan trọng của bảo vệ tài nguyên, môi trường, đặc biệt là rừng đầu nguồn.

z5097752187133_5898e2f18cc2797d5aeccf0ddba2de10.jpg
Cô Lành và nhóm phóng viên Báo TN&MT

Bác Trần Quốc Việt kể tiếp: “Nói là thế thôi chứ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là với bà con đồng bào dân tộc thiểu số là khó khăn nhất. Họ đã quá quen với việc sáng vác rìu vào rừng để chặt gỗ đem bán, thu nhập nhanh hơn. Âu cũng là kế sinh nhai nhưng quả thật không bền vững và hủy hoại rừng, hủy hoại môi trường thiên nhiên. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, sâu sát trong nhân dân mà dần dần những buổi tập huấn, những kiến thức về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái như “mưa dầm thấm lâu”, cộng với sự chân thành, lòng nhiệt huyết của cô Lành và của anh em mà người dân đã dần nhận thức được và đồng tình ủng hộ chúng tôi. Thế rồi từ những hình ảnh cứ chiều đến lại thấy khói nghi ngút trên các cánh rừng hay đàn trâu ùn ùn kéo gỗ từ trong rừng về bản… đã không còn”.

Sau những câu chuyện được kể liên quan đến bao khó khăn, vất vả và những trở ngại buổi ban đầu. Biết chúng tôi rất nóng lòng muốn cô Lành, bác Việt… nói về “trái ngọt” sau bao mồ hôi và cả máu đã đổ trên cánh rừng Rào An nơi thượng nguồn sông Ngàn Phố, bác Trần Quốc Việt nhanh nhảu nói với nụ cười rạng rỡ trên môi: “Đến giờ thì chẳng ai dám bảo cô Lành bị điên nữa”.

“Toàn bộ diện tích rừng đã được gìn giữ và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Qua khảo sát, số lượng các loài động vật hoang dã như chim, sóc, lợn rừng, khỉ, nhím, dúi đặc biệt là sóc bay… đã xuất hiện nhiều quanh các khu vực nhà sàn là nơi học tập của các đoàn đến trải nghiệm. Khu bảo tồn được các chuyên gia lâm nghiệp đánh giá là có tốc độ phục hồi nhanh nhất trong khu vực. Độ che phủ rừng đến nay đã đạt hơn 94% đấy” - Cô Lành tiếp lời.

Bác Lê Văn Ca - người đã gắn bó với Khu bảo tồn từ những ngày đặt viên gạch đầu tiên của dự án khoe thêm rằng: “Khu bảo tồn HEPA như một pháo đài án ngữ nơi cửa rừng để bảo vệ toàn bộ rừng đầu nguồn Ngàn Phố. Ngoài diện tích của Khu bảo tồn, chúng tôi còn nhận bảo vệ thêm các cánh rừng khác để nâng tổng diện tích bảo vệ lên tới 529ha. Thành quả sau hơn 20 năm nỗ lực không ngừng nghỉ với biết bao tâm huyết đã đem đến niềm vui vô bờ bến không chỉ cho anh em cán bộ như chúng tôi mà còn đối với chính quyền và người dân nơi đây”.

2(1).png

Dẫn chúng tôi đi bộ leo lên những cánh rừng rợp tán xanh mướt với đầy đủ các loại cây gỗ quý như lim, dổi, de… cô Lành khoe rằng: “Cánh rừng lim phía trên khi đó bị phá nhiều nhưng từ khi chúng tôi bảo vệ thì đã tái sinh trở lại và xanh tốt như ta thấy đó. Còn hơn một nghìn gốc lim quý dọc bờ sông Ngàn Phố là chúng tôi tự trồng, nay tuổi đời đã 20 năm, có gốc cây đường kính đã quá sải tay người ôm”.

Trong câu chuyện vui dưới tán rừng, bác Việt bỗng nhớ lại, độ hơn 20 năm về trước nơi đây xảy ra trận lũ lịch sử. Đất đá rửa trôi từ thượng nguồn về tàn phá nơi đây xác xơ. Ắt cũng vì rừng bị tàn phá quá mức. Mùa hè thì gió Lào thổi bỏng rát đến ngạt thở. “Nay, từ ngày rừng được bảo vệ, phục hồi, phát triển thì không khí trong lành trở lại. Những tán rừng mênh mông như bàn tay khổng lồ của Mẹ Thiên nhiên chở che cho thượng nguồn sông Ngàn Phố. Gió mát thổi về xua đi mùa hè bỏng rát của gió Lào. Những cơn mưa rừng như được điều tiết đều đặn đến lạ kỳ. Người dân nơi đây còn nói với nhau rằng: Phải chăng rừng xanh của cô Lành đã “gọi mưa về Ngàn Phố!”.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng "gọi mưa" về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO