Rà soát cấp Giấy chứng nhận lần đầu với diện tích đất còn lại

Trường Giang| 28/05/2020 14:53

(TN&MT) - Đó là nhiệm vụ đạt ra trong công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản găn liền với đất (GCN) và xây dựng CSDL đất đai trong năm 2020 của Tổng cục Quản lý đất đai.

Tỷ lệ cấp GCN lần đầu đạt trên 97,36%

Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, thời gian qua, Tổng cục đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác đo đạc, đăng ký, cấp GCN. Đồng thời,  tổng hợp các trường hợp còn tồn đọng chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất lần đầuvà phân tích nguyên nhân vướng mắc để đề xuất các giải pháp thực hiện hoàn thành công tác cấp GCN lần đầu trên phạm vi cả nước.

Nguyên nhân của những tồn đọng chủ yếu do người dân chưa kê khai đăng ký; do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ ngày 1/1/2008 trở về sau, đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không nộp và không có nhu cầu ghi nợ; hồ sơ chưa hoàn thành thủ tục chia thừa kế; đất lấn chiếm giao trái thẩm quyền không phù hợp quy hoạch; chưa hoàn thành thủ tục báo cáo rà soát hiện trạng sử dụng đất; còn lại là các trường hợp như: đất công ích nằm trong cùng thửa đất, sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật, tranh chấp đất đai, vướng trong xác định hạn mức đất ở...

Tính đến nay, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên (các loại tỷ lệ bản đồ); tỷ lệ cấp GCN lần đầu tổng hợp từ kết quả thực hiện của các địa phương đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp (tăng lên từ 0,16% đến 2%, tương đương khoảng gần 30.000 Giấy chứng nhận so với năm 2018 và 2019).

Về đo đạc, rà soát ranh giới, cắm mốc và cấp GCN đất nông, lâm trường, Tổng cục đã thực hiện tổng hợp kết đo đạc, rà soát cắm mốc giới và cấp GCN đối với các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP để xây dựng báo cáo Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, đã tổ chức thành công buổi toạ đàm về quản lý, sử dụng đất đai tại các Công ty nông, lâm nghiệp; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đến nay, 100% các huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau, trong đó có 182/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên 46 tỉnh/thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.

Về việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, Tổng cục đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai một cấp theo quy định của Luật Đất đai và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả đến tính đến nay, cả nước có 58/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp theo quy định.

Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,36%

Đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận

Cũng theo Tổng cục Quản lý đất đai, trong năm 2020, Tổng cục sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc cấp GCN đối với diện tích còn lại cần phải cấp GCN lần đầu theo tinh thần của Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội về việc cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ. Thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình về tình hình thành lập và hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương hoàn thành dứt điểm việc rà soát, đo đạc, cắm mốc giới, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận cho các Công ty nông, lâm nghiệp đối với phần đất giữ lại.

Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Hoàn thành việc báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các Công ty nông nghiệp, Công ty lâmnghiệp, Ban Quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khai thác sử dụng;

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu, hoàn thiện phần mềm quản lý vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối liên ngành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai, thực hiện, đôn đốc, theo dõi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên thông thủ tục hành chính về đất đai với cơ quan thuế. Chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về việc bố trí dự toán ngân sách, trích nguồn thu từ đất để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hướng tới tăng số huyện và số tỉnh đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành khai thác, sử dụng.

Ngoài ra, tham mưu để Bộ TN&MT có Văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:  chỉ đạo, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định của pháp luật; ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính có tọa độ theo Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội.

Hiện cả nước đã hoàn thành cơ bản công tác GCN lần đầu, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liêu đất đai góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của người sử dụng đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển; đã cắt giảm gần một nửa thời gian thực hiện thủ tục khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền tài sản trên đất, nhiều thủ tục về giao dịch đất đai như đăng ký thế chấp được thực hiện trong ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát cấp Giấy chứng nhận lần đầu với diện tích đất còn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO