Theo quan sát của chúng tôi, bãi rác thải tại xã Quỳnh Hưng có diện tích khoảng 1500m2, được quy hoạch nằm giáp ranh giữa xóm 4 và xóm 9. Từ cuối làng xóm 4, người đi đường có thể dễ dàng quan sát được bãi rác thải “án ngữ” ngay giữa cánh đồng lúa của 2 xóm này. Con đường dẫn vào bãi rác phải đi qua một nghĩa trang của xã nhưng từ xa, mùi hôi thối, ruồi nhặng đã tản đi xung quanh gây khó chịu cho nhiều người có mặt ở đây. Chỉ cách khu dân cư chưa đầy 1km nên vào mùa gió bấc thổi ngược, người dân ở đây đều bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối, xù uế từ bãi rác. Chưa kể, ruồi, muỗi cũng kéo từng đoàn “di cư” vào tận nhà dân xung quanh bãi rác gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, người dân cũng đã có kiến nghị, phản ánh về tình trạng ô nhiễm từ bãi rác lên các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
“Chúng tôi kiến nghị xã cần sớm di chuyển bãi rác đi chỗ khác càng sớm càng tốt cho sức khỏe người dân. Bãi rác này tồn tại từ gần chục năm nay đã quá tải. Trong khi đó, phương án xử lý rác lại thô sơ, chỉ lấp đất nên mùa mưa, lũ lụt thường cuốn rác thải xuống ruộng đồng của người dân. Đó là chưa kể mùa nắng nóng, oi bức, mùi hôi khó chịu từ rác mang lại khiến chúng tôi không thể ra đồng chăm sóc cây hoa màu được. Nếu cứ tiếp tục tập kết rác thải tại đây, nguy cơ nguồn nước ngầm bị ô nhiễm rồi sinh ra bệnh tật cho người dân là điều khó tránh khỏi” – Một người dân sinh sống ở xóm 4, xã Quỳnh Hưng bức xúc cho biết.
Được biết, đây là bãi rác được UBND xã Quỳnh Hưng làm tờ trình xin quy hoạch xây dựng tập trung vào năm 2006. Sau đó, xã cũng tiến hành đầu tư cho xây tường bao xung quanh bãi rác thải. Nguồn vốn một phần do nhân dân đóng góp và Nhà nước hỗ trợ. Việc thu gom rác thải trên địa bàn được UBND xã Quỳnh Hưng giao cho HTX dịch vụ môi trường. Kinh phí để thực hiện thu gom được trích từ nguồn hỗ trợ xử lý môi trường hàng năm của Nhà nước và xã trích ra.
Ông Phạm Trung Thiên, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng, cho biết: Bãi rác tập trung của xã được huyện Quỳnh Lưu cho phép quy hoạch vào năm 2006. Thời điểm đó, huyện Quỳnh Lưu chưa có bãi rác tập trung nên cho phép xã Quỳnh Hưng khảo sát và xây dựng bãi rác thải (năm 2011, UBND huyện Quỳnh Lưu mới đưa vào sử dụng bãi rác tập trung với diện tích khoảng 5,4 ha tại địa phận xóm 5, xã Ngọc Sơn – PV). Bãi rác thải của xã được quy hoạch đổ xuống ao cá giữa đồng và xử lý bằng phương pháp đổ đất lấp. Hiện nay, bãi rác cũng đã quá tải nên xã cũng đang xin chủ trương dừng việc đổ rác rồi san lấp thành điểm trung chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, phải đến kỳ họp HĐND xã vào tháng 6 sắp tới mới đưa ra hội đồng để thống nhất ý kiến.
Nói về hệ lụy môi trường từ bãi rác tập trung tại địa phương hiện nay, ông Thiên cho rằng, mức độ ô nhiễm cũng chưa đến mức nghiêm trọng?!. “Hàng năm xã cũng trích nguồn kinh phí hàng chục triệu đồng để tiến hành thu gom, xử lý rác thải. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nguy cơ ô nhiễm từ bãi rác tại địa phương cũng phải bàn tới vì hiện nay đã quá tải. Sắp tới, xã sẽ họp bàn rồi chuyển giao cho công ty môi trường thu gom, đưa đi đổ tại bãi rác tập trung của huyện trên địa bàn xã Ngọc Sơn” – ông Phạm Trung Thiên cho biết thêm.
Thiết nghĩ, việc để tồn tại bãi rác tập trung hiện nay của xã Quỳnh Hưng hiện nay đang nảy sinh nhiều bất cập. Mối nguy hại đến môi trường nước, không khí và sức khỏe người dân là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, hiện nay huyện Quỳnh Lưu đã có bãi rác tập trung để thu gom, xử lý rác của các xã, thị trấn nhưng chỉ có xã Quỳnh Hưng vẫn tồn tại bãi rác theo quy mô nhỏ lẻ, gây hiểm họa cho môi trường. Vì vậy, các ngành chức năng của huyện Quỳnh Lưu cần sớm đôn đốc, chỉ đạo xã Quỳnh Hưng dừng ngay việc xử lý rác tại trên địa bàn, tránh gây bức xúc cho người dân và ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.
Bài & ảnh: Đ. Tiệp – Tr. Ngọc