Báo cáo về việc triển khai thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ, ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, đến hết tháng 5/2019, Cục đã hoàn thành việc xây dựng trình các cấp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 27/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và Bản đồ; Quyết định số 415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ; Thông tư ban hành Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ phần đất liền thành phố Hải Phòng, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Thái Bình...
Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cũng xây dựng kế hoạch chi tiết về phổ biến, giáo dục pháp luật về đo đạc và bản đồ; biên soạn giáo trình, tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật, các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đo đạc và Bản đồ, dịch sang tiếng Anh các văn bản Luật, Nghị định. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai và Bình Định tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Đo đạc và Bản đồ cũng như các văn bản quy định chi tiết Luật.
Theo ông Phan Đức Hiếu, trong tháng 6 và các tháng cuối năm 2019, Cục tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Cục cũng đang tổ chức xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về sử dụng hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia trong đo đạc, thành lập bản đồ; Thông tư quy định kỹ thuật về mô hình cấu trúc, nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000; 1:5.000; Thông tư quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000.
Về việc triển khai xây dựng Chiến lược Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ và Hạ tầng Dữ liệu không gian địa lý quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”, Cục đã xây dựng và phê duyệt Dự án “Xây dựng chiến lược Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ và Hạ tầng Dữ liệu không gian địa lý quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Trong đó, tổ chức khảo sát về hiện trạng ngành Đo đạc và Bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý tại các bộ, ngành, địa phương cũng như khảo sát học tập kinh nghiệm nước ngoài.
Về việc triển khai xây dựng dự thảo Chiến lược, Cục trưởng Phan Đức Hiếu nêu rõ, đến nay Cục đã trình Bộ ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ và hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; phối hợp với các chuyên gia xây dựng đề cương Chiến lược; tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, tổ chức có liên quan đến lĩnh vực đo đạc và bản đồ năm 2020 và dự thảo Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ và hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Liên quan đến xây dựng Đề án Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, “Cục đã tiến hành khảo sát hiện trạng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, hạ tầng công nghệ phục vụ việc quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý, đánh giá nhu cầu về dữ liệu của các địa phương, các đơn vị trong và ngoài Bộ. Khảo sát đánh giá, lựa chọn công nghệ, giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia”, báo cáo nêu.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, lĩnh vực đo đạc bản đồ lần đầu tiên có Luật, cho nên tôi đề nghị quá trình triển khai phải thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu; phải làm sao để triển khai thi hành Luật từ Trung ương đến địa phương.
Đánh giá cao việc Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã quyết liệt triển khai thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ, trong đó Cục đã xây dựng kế hoạch chi tiết về phổ biến, giáo dục pháp luật về đo đạc và bản đồ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, phải dành một phần kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật về đo đạc bản đồ. Đồng thời, trên cơ sở Luật làm sao để có thông tin cập nhật kịp thời, có như thế mới thể hiện được vai trò của ngành đo đạc và bản đồ.