Đất đai

Quỹ Phát triển đất tỉnh Quảng Bình: “Hiến kế” tăng thu tiền sử dụng đất

Thanh Tùng 30/11/2023 - 08:13

(TN&MT) - Số liệu thống kê cho thấy, kết quả thu tiền sử dụng đất 10 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Quảng Bình đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ. Trong bối cảnh đó, Quỹ phát triển đất Quảng Bình cho rằng, các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung vào kênh tạo nguồn thu tiền sử dụng đất ổn định nhất lúc này là quỹ đất “xen cư ”, “xen kẹt”, đất phân lô tách thửa, chuyển mục đích trong dân.

Tổng thu mới đạt gần 50% dự toán

Thông tin từ Quỹ phát triển đất tỉnh Quảng Bình cho biết, tổng thu tiền sử dụng đất trong 10 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt 1.476 tỷ đồng, bằng 49,2% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 45,5% chỉ tiêu UBND tỉnh giao và bằng 30,8% so với cùng kỳ (4.792 tỷ đồng). Số thu vừa nêu bao gồm thu tiền đất năm 2022 chuyển qua ghi thu năm nay và thu từ phân lô tách thửa chuyển mục đích, thu từ quỹ đất xen cư, xen kẹt trong dân là 837 tỷ đồng. Phần còn lại là số thực thu tiền sử dụng đất thông qua đấu giá, giao đất tại các dự án chỉ đạt 639,2 tỷ đồng, bằng 13,3% so với cùng kỳ.

Phó Giám đốc Quỹ phát triển đất tỉnh Quảng Bình Phạm Ngọc Tình cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, tình hình thị trường bất động sản trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng hết sức trầm lắng. Toàn tỉnh đã tổ chức 95 phiên đấu giá quỹ đất tại các dự án, trong đó có 36 phiên không có người tham gia; tỷ lệ số lô đấu trúng trung bình đạt 21% so với số lô đưa ra đấu giá, chênh lệch giá đấu so với giá khởi điểm đạt thấp trung bình được 6,6%.

z4927192565712_f61b3d57e433ff6b9891c5e335a43413.jpg
Tổng thu tiền sử dụng đất trong 10 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt 1.476 tỷ đồng, bằng 49,2% dự toán HĐND tỉnh giao. Ảnh: Thanh Tùng

“Đặc biệt, tại địa bàn thành phố Đồng Hới, Ban Quản lý dự án ĐTXD&PTQÐ thành phố Đồng Hới và Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có đưa quỹ đất tại các dự án ra đấu giá nhưng lượng quỹ đất rất ít, chủ yếu là đất tồn của các năm trước nhưng phần lớn không có người tham gia, phải đưa ra đấu lại lần 2 cũng không có kết quả. Tại các huyện, thị xã ở những khu vực trước đây từng xảy ra sốt đất nay cũng không có người tham gia hoặc tham gia đấu giá rất ít”, ông Phạm Ngọc Tình thông tin.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo ông Phạm Ngọc Tình, là do giá khởi điểm quá cao so với giá giao dịch trên thị trường, kết hợp với nhu cầu mua đất của người dân giảm hẳn do tác động của suy giảm kinh tế, chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu, cũng như vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ một cách triệt để đã tác động tiêu cực đến niềm tin, nhu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc đôn đốc các nhà đầu tư nộp tiền sử dụng đất của các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị cũng gặp khó khăn do các dự án triển khai gặp vướng mắc liên quan đến các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục giao đất, định giá đất, dẫn đến doanh nghiệp chưa nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước.

Khẩn trương đưa các dự án đủ điều kiện ra đấu giá

Kết quả thu tiền sử dụng đất 10 tháng đầu năm đạt thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023, nhất là nhiệm vụ cân đối thu chi ngân sách Nhà nước.

Đề xuất giải pháp tăng thu tiền sử dụng đất, Quỹ phát triển đất tỉnh Quảng Bình cho rằng, đối với các dự án phát triển quỹ đất do Nhà nước làm chủ đầu tư, các chủ đầu tư cần khẩn trương đưa lượng quỹ đất của các dự án phát triển quỹ đất đã đủ điều kiện ra đấu giá ngay trong những tháng còn lại của năm nhằm tạo nguồn thu trong năm 2023, gối đầu năm 2024. Tập trung chỉ đạo hoàn thiện hạ tầng đối với các dự án có khối lượng thi công hiện trường đạt trên 70%, để sớm đủ điều kiện đưa quỹ đất ra đấu giá.

Đối với các dự án có quy mô lớn cần đầu tư hoàn thiện từng khu vực để đưa ra đấu giá theo dạng cuốn chiếu. Chỉ địa phương, đơn vị nào tổ chức đấu giá có nguồn thu và hoàn trả cho Quỹ phát triển đất mới được tái bố trí, giải ngân vốn ứng thi công tiếp theo. Trong trường hợp các dự án đã tổ chức đấu giá và giao đất không có nguời tham gia, các sở ngành chức năng sớm có hướng dẫn để các đơn vị, địa phương có cơ sở thực hiện điều chỉnh giảm mức giá khởi điểm, đảm bảo đưa mặt bằng giá về sát với giá thị trường hiện nay, đáp ứng được nhu cầu thật sự của người dân tham gia đấu giá mua đất, huy động kịp thời nguồn thu tiền sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước.

Dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2023 được HĐND tỉnh Quảng Bình giao là 3.000 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng thu ngân sách tại địa bàn. Triển khai Nghị quyết, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển quỹ đất đấu giá và giao chỉ tiêu phấn đấu thu tiền sử dụng đất năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, tăng 8% so với dự toán HÐND tỉnh giao.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Ngọc Tình, đối với các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi công, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành, địa phương có liên quan tập trung giải quyết tháo gỡ những tồn tại vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và các vướng mắc khác để hoàn thành các dự án trong năm 2023, nhất là các dự án có khả năng tạo ra nguồn thu lớn, dự kiến đấu giá thành công cao như dự án Tây Hữu Nghị, Trung tâm hành chính phường Đức Ninh Đông, Ven Sông Lệ kỳ, Sa Đöång...

Đối với các dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, theo kế hoạch trong năm 2023 có một số dự án sẽ nộp 857 tỷ đồng nhưng hết 10 tháng mới nộp được 10,8 tỷ đồng, bằng 1,3% chỉ tiêu dự toán. Do đó, các sở, ngành liên quan cần tích cực phối hợp giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và tăng cường đôn đốc các nhà đầu tư sớm hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thu sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Quỹ phát triển đất tỉnh Quảng Bình cũng đánh giá, quỹ đất xen cư, xen kẹt, đất phân lô tách thửa, chuyển mục đích trong dân là kênh tạo nguồn thu tiền sử dụng đất ổn định. Đặc điểm của quỹ đất này là không phải đầu tư hạ tầng, chỉ tốn ít kinh phí quy hoạch và giải phóng mặt bằng là có thể đưa ra đấu giá, giao đất thu tiền sử dụng đất mà lại phù hợp với thị hiếu vì nó đáp ứng nhu cầu thật sự cần mua đất làm nhà ở của người dân. Do đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố nên tập trung đẩy mạnh khai thác tối đa để vừa giải quyết nguyện vọng chính đáng của nguời dân vừa tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quỹ Phát triển đất tỉnh Quảng Bình: “Hiến kế” tăng thu tiền sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO