Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam - Thay đổi để phát triển bền vững

28/04/2019 06:55

(TN&MT) - Quy hoạch để sử dụng biển một cách hiệu quả và bền vững là mục tiêu hướng tới của Quy hoạch sử dụng biển hay còn gọi là Quy hoạch không gian biển mà Bộ TN&MT đang gấp rút xây dựng....

7
Quy hoạch sử dụng biển vùng ven bờ phát triển kinh tế tổng hợp kết hợp bảo tồn. Ảnh: MH

Phân vùng để quản lý...

Khác với các loại quy hoạch, Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam tập trung vào đối tượng chung là TN&MT biển, chú trọng đến giá trị của các hệ sinh thái biển và sự hợp lý về nhu cầu khai thác, sử dụng biển của các ngành. Hầu hết, các vùng sử dụng đa mục tiêu, song, với các mức độ ưu tiên khác nhau đối với mỗi loại hình hoạt động.

Theo cách tiếp cận này, Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam dựa trên 3 nhóm tiêu chí chính để phân các vùng biển, bao gồm: Nhóm tiêu chí về bảo vệ, bảo tồn: Có các sinh cảnh, hệ sinh thái ven bờ như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, bãi triều, cửa sông, đầm phá, vũng, vịnh, đảo, cùng với các khu bảo tồn biển, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, có giá trị tự nhiên, sinh thái và đa dạng sinh học; Nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế: Có ưu thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và vị thế để phát triển các ngành kinh tế biển như dịch vụ cảng, đường thủy, du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển năng lượng, công nghiệp ven bờ… Nhóm tiêu chí về quốc phòng, an ninh: Có vị trí chiến lược và nhu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn trên biển.

Quy hoạch sử dụng biển (hay Quy hoạch Không gian biển) là một công cụ mới trong quản lý biển; do vậy, một số phương pháp của quốc tế lần đầu áp dụng vào điều kiện Việt Nam. Các phương pháp chính được sử dụng phục vụ Quy hoạch bao gồm: Phân vùng chức năng biển, theo giá trị sinh thái, tài nguyên và nhu cầu sử dụng bảo vệ, bảo tồn các vùng biển; phân tích mâu thuẫn (giữa bảo tồn và phát triển và giữa các loại hình phát triển với nhau) bằng cách chồng chập bản đồ và lập ma trận mâu thuẫn; phân tích thể chế quản lý biển, bao gồm chính sách, pháp luật, quy định sử dụng và việc tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng biển của các bộ, ngành, địa phương có biển; xử lý các vùng chồng lấn trong quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển và quy hoạch bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, môi trường biển bằng cách chồng chập bản đồ và sắp xếp mức độ ưu tiên đối với các loại vùng. Trong đó, điều quan trọng nhất là xác định được các vùng biển ưu tiên cho hoạt động nào? Từ đó, phân vùng chức năng và đưa ra định hướng cụ thể cho các hoạt động khai thác khác nhau.

Làm rõ 6 loại vùng quan trọng

Đề xuất tại Dự thảo Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra đề xuất Quy hoạch Biển Việt Nam thành 6 loại vùng, bao gồm: Vùng sử dụng đặc biệt; vùng ven bờ chú trọng bảo tồn và phát triển mạnh kinh tế tổng hợp; vùng ven bờ phát triển kinh tế tổng hợp kết hợp bảo tồn; vùng ưu tiên khai thác dầu khí; vùng ưu tiên khai thác hải sản; vùng cho các hoạt động sử dụng khác.

Mỗi loại vùng được định nghĩa, có tiêu chí phân loại, chính sách sử dụng với các hoạt động được phép, không được phép và hạn chế. Theo 6 loại vùng nêu trên, biển Việt Nam được quy hoạch thành 34 vùng như: Loại vùng sử dụng đặc biệt (11 vùng); loại vùng ven bờ chú trọng bảo tồn và phát triển mạnh kinh tế tổng hợp (5 vùng); loại vùng ven bờ phát triển kinh tế tổng hợp kết hợp bảo tồn (4 vùng); loại vùng ưu tiên khai thác dầu khí (6 vùng); loại vùng ưu tiên khai thác hải sản (3 vùng); loại vùng cho các hoạt động sử dụng khác (5 vùng).

Tại các vùng biển này, trên lưới quy hoạch sẽ xác định rõ khu vực nào giành cho hoạt động: Phục vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình phục vụ quốc phòng, an ninh; tuần tra giám sát đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên và môi trường; bảo tồn sinh cảnh, hệ sinh thái, đa dạng sinh học; xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường; xây dựng công trđúng hướng huoình bảo vệ bờ biển; xây dựng tiện ích phục vụ nghiên cứu khoa học; xây dựng tiện ích phục vụ công tác bảo tồn; Điều tra, khảo sát tài nguyên, nghiên cứu khoa học, quan trắc môi trường... Đồng thời, xác định rõ đâu là khu vực giành cho khai thác khoáng sản; khu vực giành cho vui chơi giải trí, phát triển du lịch phát triển cơ sở hạ tầng, làm thay đổi sinh cảnh và đặc biệt xác định khu vực an toàn trong mỗi vùng biển cho hoạt động nhận chìm vật chất trên biển.

Chấp nhận sự thay đổi để phát triển bền vững

Trao đổi về việc phân vùng chức năng và xác định loại hình phát triển kinh tế ưu tiên trên mõi vùng biển Việt Nam trong nội dung được xây dựng tại Quy hoạch này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, khi thực hiện sẽ “va chạm” không ít giữa lợi ích kinh tế đạt được và vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại các địa phương. Vì khi quy hoạch được phê duyệt và đưa vào thực tiễn sử dụng, sẽ làm thay đổi đáng kể định hướng phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương có biển.

Dựa vào các vùng chức năng được phân bổ, xác định tại quy hoạch, địa phương có biển, khai thác TN&MT biển phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng hơn, xác định rõ khu vực cần được ưu tiên ngành nghề gì để vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ và tái tạo nguồn lợi tài nguyên từ biển và không làm tổn hại đến các hệ sinh thái khác. Như vậy, đồng nghĩa với việc địa phương phải “dũng cảm” loại bỏ những dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm tại các khu vực đã được xác định hoặc từ chối và xác định địa điểm phù hợp cho các dự án ngay từ khi nhà đầu tư manh nha xin cấp phép dự án. Các chuyên gia cho rằng, việc tuân thủ những quy định của quy hoạch sử dụng biển là yếu tố tiên quyết khắc phục những hạn chế yếu kém trong phát triển nền kinh tế biển lâu nay, đồng thời, phát huy, tái tạo được môi sinh cho vùng biển.

Song, để xác định chính xác khu vực cần ưu tiên phát triển ngành kinh tế biển nào? Hạn chế ngành nào, khu vực nào có thể nhận chìm, xả thải là một bài toán không đơn giản, khi cơ sở dữ liệu đầu vào cho việc chạy mô hình còn rất hạn chế. Mặt khác, năng lực kỹ thuật cho việc xây dựng một quy hoạch chưa từng được ban hành tại Việt Nam cũng là điều đang gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để có được dữ liệu đầu vào chính xác kết hợp với một phần mềm tương thích đang là vấn đề rất cần được quan tâm đầu tư để xây dựng thành công quy hoạch sử dụng không gian biển, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam - Thay đổi để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO