Quy hoạch hệ thống quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 – 2030

Tống Minh| 11/12/2019 19:05

(TN&MT) - Xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cáo năng lực cảnh báo môi trường phục vụ công tác quản lý.

Chiều ngày 11/12, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo

Thứ trưởng đề nghị: ”Xây dựng quy hoạch mới, phải kế thừa các nội dung của quy hoạch cũ, đảm bảo xây dựng từ nền tảng sẵn có để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường. Mạng lưới các điểm, trạm quan trắc cần được quy hoạch có tính mở để có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế phát triển. Tăng cường công tác xã hội hoá trong việc huy động các nguồn lực triển khai các chương trình quan trắc môi trường trong quy hoạch”.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, trong thời gian vừa qua, việc chuyển đổi mô hình kinh tế thành công đã đưa nước ta từ một nền kinh tế kém phát triển, chuyển tiếp sang một quốc gia có thu nhập trung bình. Điều này diễn ra đồng thời với quá trình đô thị hóa và mở rộng địa giới hành chính đô thị, dẫn tới dân số thành thị tăng theo, cùng với sự gia tăng dân số là lượng nước thải sinh hoạt tiếp tục tăng.

Gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh, kéo theo gia tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân, tiếp tục gây áp lực lên môi trường không khí tại các đô thị, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Bụi và khí thải từ hoạt động giao thông đô thị vẫn là một trong những nguồn ô nhiễm chính đối với môi trường không khí các khu vực này. Bên cạnh đó, chất lượng các phương tiện tham gia giao thông còn hạn chế đã làm gia tăng đáng kể nồng độ các chất khí ô nhiễm trong không khí. Chính hiện trạng này đòi hỏi cần thông tin cập nhật, kịp thời về quan trắc môi trường.

Sau nhiều năm triển khai và hoạt động, mạng lưới quan trắc môi trường đã phát triển, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Với vai trò điều phối của Bộ TN&MT, hiện nay, mạng lưới các trạm quan trắc môi trường ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quan trắc môi trường ở nước ta còn tồn tại rất nhiều khó khăn và bất cập.

Chỉ rõ những ”khoảng trống” trong hệ thống quan trắc môi trường hiện nay, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, hệ thống trạm quan trắc môi trường không khí, nước tự động và liên tục còn chưa hoàn thiện theo Quy hoạch mạng lưới quan quan trắc môi trường quốc gia được phê duyệt tại Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ sở dữ liệu môi trường toàn hệ thống chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý môi trường trong việc kiểm soát, theo dõi, cảnh báo diễn biến môi trường và đặc biệt khi có sự cố ô nhiễm môi trường lớn xảy ra. Bên cạnh đó, đứng trước yêu cầu được tiếp cận thông tin về môi trường của xã hội hiện nay ngày càng đòi hỏi phải kịp thời, thông tin đầy đủ và phản ánh sâu sắc hiện trạng môi trường...

Toàn cảnh cuộc họp

Để khắc phục những tồn tại đó, nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cáo năng lực cảnh báo môi trường phục vụ công tác quản lý.

Nhiệm vụ quy hoạch được triển khai trong 02 năm (2020 - 2021), đặt ra các nội dung chính như: Xây dựng nội dung về phân tích, đánh giá hiện trạng mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường. Xây dựng quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia phù hợp với phân vùng môi trường, định hướng quan trắc và cảnh báo môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, sẽ xây dựng nội dung về bố trí mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, bao gồm định hướng các điểm, thông số, tần suất quan trắc môi trường đất, nước, không khí trên phạm vi cả nước và các trạm quan trắc tự động; định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường. Định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường. Xây dựng định hướng liên kết mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường quốc gia với mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường cấp tỉnh và kết nối mạng lưới quan trắc môi trường. Xây dựng danh mục dự án quan trắc môi trường quốc gia.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ, các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ ngày càng nhiều, đã và đang tạo ra những áp lực rất lớn lên môi trường, đòi hỏi phải xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường rộng rãi, thực hiện quan trắc một cách thường xuyên, liên tục để đánh giá diễn biến và đưa ra những cảnh báo môi trường cho cộng đồng và các cơ quan quản lý.

”Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa Quyết định 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường, cung cấp số liệu quan trắc môi trường tác động phục vụ đánh giá hiện trạng, cảnh báo và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao tính thống nhất và đảm bảo chất lượng hoạt động quan trắc môi trường cho toàn mạng lưới”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch hệ thống quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 – 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO