Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua số liệu thống kê của Ban điều hành Quỹ, tiền dịch vụ môi trường rừng đã nâng cao thu nhập cho hơn 53.000 hộ tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Đối với Lưu vực Sông Đà thu nhập bình quân của các hộ gia đình đạt hơn 3 triệu đồng/hộ/năm. Riêng với các hộ gia đình trong cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, trung bình mỗi hộ đạt hơn 100 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Bùi Minh Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng Ba lô cho các em học sinh trường THCS xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. |
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám Đốc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Chương trình Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng “đồng hành cùng học sinh tới trường” đã và đang triển khai những năm qua đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường tới các cấp, các ngành và sâu rộng trong quần chúng nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Chương trình Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng “đồng hành cùng học sinh tới trường” được triển khai thực hiện bắt đầu từ năm 2018. Sau 3 năm triển khai, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã trao tặng: 110.000 vở viết, 5.000 balo, 4.000 áo khoác học sinh, với tổng trị giá hơn 3,6 tỷ cho 20.000 lượt học sinh các trường THCS trong vùng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, thuộc các xã vùng khó khăn, nằm trong các lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: Những năm qua, đời sống của nhân dân các dân tộc huyện bien giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên không ngừng được cải thiện nhờ có sự quan tâm của Đảng, nhà nước, thông qua việc triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách đi vào cuộc sống đã góp phần quan trọng để Mường Nhé thực hiện ngày càng tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, một trong những điều kiện quan trọng để Mường Nhé vươn lên xoá đói giảm nghèo bền vững.
Thông qua những hình ảnh, lô gô được in ấn trên từng phần quà mà Chương trình Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng “đồng hành cùng học sinh tới trường” là những thông điệp được truyền tải tới các em học sinh, các bậc phụ huynh, cũng như các thầy, cô giáo với nội dung về công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn liền với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; kêu gọi các cấp chính quyền địa phương, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội và người dân sinh sống trên địa bàn, hãy bằng những hành động thiết thực của mình cùng nhau tham gia bảo vệ và phát triển bảo vệ nguồn tài nguyên, thiên nhiên rừng một cách bền vững.
Với mục đích tuyên truyền, giáo dục và góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh trong vùng được chi trả DVMTR, đồng thời lan tỏa tới gia đình, cộng đồng nơi các em sinh sống về ý nghĩa, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Hàng năm, cứ đến đầu năm học mới khai giảng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đều tổ chức trao tặng sản phẩm truyền thông đến tận tay các em học sinh, và gửi đến thế hệ tương lai của đất nước thông điệp chi trả dịch môi trường “Vì tương lai xanh”.
Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trao quà cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trường THCS Thanh Luông, huyện Điện Biên. |
Năm học 2020 - 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã trao tặng 9.000 xuất quà gồm: 50.000 vở viết, 2.000 ba lô, 2.000 áo khoác học sinh cho các em ở các xã vùng khó khăn thuộc các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Với việc làm đầy ý nghĩa đã góp phần cùng nhà trường giáo dục thế hệ trẻ nhận thức được ý nghĩa, trách nhiệm của các em học sinh trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Thực hiện kế hoạch năm 2020 và các năm tiếp theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông hướng tới các cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đồng thời góp phần thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng.