Tham dự Hội nghị còn có đại diện của các Bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan quản lý địa phương, các Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ môi trường và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Trong thời gian qua, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã hỗ trợ tài chính cho hàng trăm dự án bảo vệ môi trường với số tiền hơn 2.500 tỷ đồng. Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ về chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định vai trò của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là một trong những công cụ của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Các hoạt động của Quỹ đã được xã hội, các tổ chức quốc tế quan tâm và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, trong quá trình hoạt động, Quỹ cũng đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc về cơ chế huy động vốn, cơ chế cho vay, hỗ trợ lãi suất, tài trợ… Đồng thời, số lượng các dự án bảo vệ môi trường được hỗ trợ tài chính của Quỹ cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát biểu thẳng thắn, nhìn nhận lại các tồn tại, hạn chế trong công tác cho vay, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, trình tự thủ tục; làm rõ nguyên nhân và đề xuất các kiến nghị giải pháp cụ thể; những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và quá trình hoạt động của các Quỹ môi trường địa phương. Đồng thời, trao đổi, đóng góp ý kiến, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm Quỹ Bảo vệ môi trường cần triển khai thực hiện trong thời gian tới để phát huy tốt nhất hiệu quả của tổ chức tài chính nhà nước, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Quỹ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ về môi trường; trong đó tập trung các biện pháp cải thiện quy trình, trình tự thủ tục để tạo điều kiện thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Ngày 13/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 40/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó có rất nhiều các quy định mới giải quyết được những vấn đề còn chồng chéo trong các văn bản luật trước đó. Nghị định mới quy định Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường địa phương.
Trình bày về kết quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2018 và những năm tiếp theo, bà Dương Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết: Năm 2018, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) khai trương và bước đầu đi vào hoạt động văn phòng đại diện tại TP.HCM; tiếp nhận Văn phòng GEF từ Vụ Hợp tác quốc tế. Kết quả hoạt động cho vay với lãi suất ưu đãi, Quỹ đã ký kết hợp đồng tín dụng đạt 379,990 tỷ đồng, giải ngân vốn vay đạt 324,770 tỷ đồng đạt mức tăng trưởng hơn 33% so với năm 2017; thu hồi nợ gốc đạt 161,231 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ đồng thời thực hiện các nhiệm vụ bao gồm tài trợ, trợ giá điện gió nối lưới …Theo đó, tính đến thời điểm 31/12/2018, Quỹ đã cho vay hơn 2.500 tỷ đồng cho 294 dự án trên địa bàn 54 tỉnh thành khắp cả nước.
Trong giai đoạn 2019 -2021, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ tiếp tục phục vụ các chương trình mục tiêu, trọng điểm của Chính phủ và Bộ TN&MT, gồm: Cải tạo môi trường các lưu vực sông, ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm môi trường khu công nghiệp; ô nhiễm chất thải sinh hoạt; Ứng dụng và triển khai công nghệ sạch, thân thiện môi trường; Tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, trong năm 2019, Quỹ cũng sẽ tăng vốn điều lệ thông qua việc sửa đổi Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Sửa đổi Thông tư 03/2017/TT-BTNMT hướng dẫn việc cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo bà Dương Thị Phương Anh, Quỹ Bảo vệ môi trường sẽ tập trung các giải pháp đảm bảo tăng trưởng tín dụng, tăng cường hoạt động quản lý rủi ro, kiểm soát nợ xấu; mở rộng các hoạt động nghiệp vụ trên cơ sở tiếp thu các nguồn lực mới; duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm > 20%/năm; mở mới nghiệp vụ hỗ trợ 10% vốn triển khai ứng dụng sáng chế BVMT…
Tại Hội nghị, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT đã giới thiệu chi tiết Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng sẽ được lắng nghe nhiều tham luận giới thiệu các công nghệ xử lý nước thải, rác thải, công nghệ sản xuất điện mặt trời; trao đổi về cơ chế cho vay vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; thảo luận về hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương (cho vay, ký quỹ…) và cơ chế phối hợp giữa Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương.