Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 2

Thanh Tùng| 19/10/2021 18:43

(TN&MT) - Chiều 19/10, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì họp báo.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra trong 14 ngày, kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung

Thông tin từ họp báo cho biết, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2021, bế mạc vào ngày 13/11/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt.

Đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021). Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Đợt 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong 6 ngày, từ ngày 8/11 đến ngày 13/11/2021.

Thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết, xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Những dự án Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Những dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về công tác giám sát và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2022-2024.

Ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin về dự kiến chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2

Quốc hội xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam). Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025); dự kiến xem xét, quyết định về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn).

Quang cảnh họp báo

Xem xét, cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Thông tin về nội dung này, Văn phòng Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu của quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề sau: Thể hiện rõ quy hoạch sử dụng đất không chỉ tạo nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà phải kết hợp chặt chẽ để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để phát triển đất nước. Quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch của tài nguyên đặc biệt (đất đai) phải đi trước một bước làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt, do đó quá trình hoàn thiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần rà soát, đối chiếu, trao đổi để hạn chế chồng chéo, mâu thuẫn với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Thống nhất tầm nhìn của Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là đến năm 2050 theo đúng quy định của Luật Quy hoạch, đề nghị làm rõ hơn tầm nhìn đến năm 2050.

Gắn phát triển đô thị với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể hơn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vấn đề liên kết vùng, liên kết tỉnh, nhất là việc kết nối giao thông, đô thị, công nghiệp dịch vụ các tỉnh ven biển trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đảm bảo số lượng, chất lượng chỉ tiêu đất trồng lúa nhằm thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; bảo đảm quy hoạch và phát triển rừng hiệu quả, gắn trồng rừng, phát triển kinh tế rừng với bảo vệ môi trường; rà soát lại chỉ tiêu đất khu công nghiệp gắn với nhu cầu và khả năng phát triển để khắc phục hạn chế tỷ lệ lấp đầy thấp; rà soát, tách bạch rõ giữa đất văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo với đất thương mại, dịch vụ.

Tại họp báo, Tổng thư ký Quốc hội và các đồng chí chủ trì họp báo đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến các vấn đề: Cải cách tiền lương; công tác điều hành phòng, chống dịch COVID-19 chưa thống nhất giữa các địa phương; chủ trương sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác xây dựng pháp luật...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO