Quốc hội thông qua Luật kiến trúc: Phải giữ bản sắc văn hoá Việt Nam

13/06/2019 21:05

(TN&MT) - Chiều 13/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Với 429/442 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,64% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kiến trúc.

Luật Kiến trúc gồm 5 chương 41 điều, quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.

Về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, Luật quy định bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục các dân tộc; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong các công trình kiến trúc, tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam.

201906131507127862 kqua bieu quyet copy
Quốc hội chính thức thông qua Luật Kiến trúc. Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Kiến trúc sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2020

Căn cứ đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa dân tộc của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với địa bàn quản lý. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.

Về hành nghề kiến trúc, Luật phân định rõ việc hành nghề kiến trúc của cá nhân và hành nghề kiến trúc của tổ chức. Theo đó, kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân là kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc không thuộc tổ chức hành nghề kiến trúc, nhân danh cá nhân mình thực hiện các dịch vụ kiến trúc. Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân thực hiện dịch vụ kiến trúc theo nội dung hợp đồng đã giao kết với tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc tổ chức thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Người nước ngoài được hành nghề kiến trúc tại Việt Nam khi có chứng chỉ hành nghề kiến trúc tại Việt Nam hoặc có chứng chỉ hành nghề kiến trúc đang có hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được Việt Nam công nhận, chuyển đổi và tuân thủ pháp luật Việt Nam và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề của Việt Nam.

BT
Bộ trưởng Trần Hồng Hà bên hành lang Quốc hội chiều ngày 13/6

Tổ chức hành nghề kiến trúc bao gồm văn phòng kiến trúc sư, tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp khác được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Luật xác định rõ nội dung quản lý nhà nước về kiến trúc gồm ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về kiến trúc; Xây dựng, tổ chức thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch trong hoạt động kiến trúc; Tổ chức, thống nhất quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn; quản lý hành nghề kiến trúc; Cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; quản lý thông tin, lưu trữ tài liệu trong hoạt động kiến trúc; Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc; Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động kiến trúc;  Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc; Hợp tác quốc tế về kiến trúc;  Xây dựng, quản lý lưu trữ hồ sơ, cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin phục vụ quản lý kiến trúc; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động kiến trúc.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý kiến trúc.

Đối với một số công trình quan trọng, Thủ tướng sẽ thành lập Hội đồng tư vấn về kiến trúc, gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Kiến trúc sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Ngày 27/4 hằng năm được lấy là ngày Kiến trúc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật kiến trúc: Phải giữ bản sắc văn hoá Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO