Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Sáng 23/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) với tỷ lệ biểu quyết tán thành đạt 93,12%trên tổng số ĐBQH tham gia.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 10 Chương, 96 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. Luật này có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành. Theo đó, về đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, Luật đã bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 2 về hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện bao gồm: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Liên quan đến 9 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu tại Điều 16, Luật đã bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
Luật đã bổ sung vào Điều 23, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Về chào hàng cạnh tranh tại Điều 24, Luật bổ sung quy định áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 24; quy định về hình thức chào hàng cạnh tranh đã cho phép áp dụng rộng rãi đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phí tư vấn, xây lắp, và hỗn hợp. Bên cạnh đó, việc xác định tính chất đơn giản, phức tạp của công trình xây lắp thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, người có thẩm quyền. Theo đó, khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy định của pháp luật xây dựng về phân loại, phân cấp công trình và giá gói thầu để áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu cho phù hợp, trong đó có hình thức chào hàng cạnh tranh.
Luật đã bổ sung quy định về giá gói thầu, theo đó “Chính phủ quy định chi tiết về nội dung giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu” tại khoản 2 Điều 39 của dự thảo Luật.
Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, Luật đã sử dụng cụm từ “vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế” tại các điều khoản liên quan thay cho cụm từ ““thiết bị y tế, vật tư y tế.
Về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế (Điều 55), Luật đã bao quát các trường hợp mua hóa chất, thiết bị y tế, trong đó đã quy định rõ việc chuyển giao quyền quản lý sử dụng/chuyển giao quyền sở hữu trong từng trường hợp mua sắm cụ thể. Đây là một mô hình mua sắm trọn gói bao gồm từ hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bảo hành, bảo dưỡng…cũng như quyền sử dụng thiết bị y tế trong một thời gian nhất định. Tại khoản 4 Điều này đã giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể để thực hiện. Bên cạnh đó, bổ sung quy định tại điểm e khoản 1 của Điều 55 về trường hợp “Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh”.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định đối với trường hợp không thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả và mua vacxin để tiêm chung theo hình thức dịch vụ tại khoản 2 Điều 55 như sau: “2. Đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình”.
Luật cũng đã quy định hướng dẫn mua sắm thuốc, vật tư y tế của cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tại khoản 3 Điều 55 như sau: “3. Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật này đối với mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó chỉ được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế theo đúng giá mặt hàng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo đơn giá đã trúng thầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn; nếu không có giá trúng thầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.”.
Bên cạnh đó, Luật quy định tại Điều 56 về ưu đãi cho các thuốc sản xuất trong nước và được Bộ Y tế chứng nhận đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế để tạo ra sự cạnh tranh với thuốc nhập khẩu. Quy định này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất dược tăng cường đầu tư thiết bị, dây chuyền hiện đại để sản xuất thuốc, nâng cao tính cạnh tranh với thuốc nhập khẩu, đồng thời đáp ứng được chất lượng điều trị, thời gian điều trị, góp phần tăng hiệu quả điều trị và tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh cho người dân.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Xây dựng và Bộ Luật dân sự năm 2015, thể hiện cụ thể tại các Điều: 65, 67, 70, 71, 72 của dự thảo Luật. Luật đã làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu tại Điều 84, đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo.
Để đảm bảo tính bao quát, Luật đã quy định mới về thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu tại Điều 86.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng quy định về trường hợp phát sinh tình huống chưa được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu (tại Điều 88); quy định về giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu (Điều 89).
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 5, UBTVQH đã báo cáo Quốc hội 02 phương án quy định trong luật về nội dung này. Qua tổng hợp ý kiến ĐBQH thảo luận tại hội trường, UBTVQH xin được tiếp thu theo hướng đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng quá mức; một mặt, bảo đảm việc đấu thầu mang lại lợi ích kinh tế cho bên mời thầu, mặt khác, bảo đảm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch.
Vì vậy, UBTVQH báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định về phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu bao gồm: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như thể hiện tại điểm a khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật.
Về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, UBTVQH nhận thấy, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai đang sửa đổi không quy định việc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư áp dụng đối với các dự án đầu tư có liên quan đến an ninh, quốc phòng, vì vậy, việc quy định về nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại dự thảo Luật Đấu thầu là chưa thống nhất với dự thảo của Luật Đất đai; dự thảo Luật hiện còn nhiều yếu tố không bảo đảm tính minh bạch, chưa rõ ràng về quy trình, thủ tục, tiềm ẩn nguy cơ có thể bị lợi dụng chính sách, đặc biệt đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất để kinh doanh thương mại; hơn nữa, cho đến nay chưa có tiền lệ áp dụng cơ chế này. Vì vậy, UBTVQH xin tiếp thu ý kiến ĐBQH, bỏ quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại khoản 3 Điều 34 của dự thảo Luật.
Liên quan đến quy định đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế và một số ĐBQH làm việc trong ngành y tế về những nội dung tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến lĩnh vực y tế. Trên cơ sở đó: (i) Rà soát, thống nhất về thuật ngữ sử dụng trong Luật; (ii) Thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít; (iii) Rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; (iv) Tiếp thu, bổ sung quy định về thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật đấu thầu; (v) Chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; (vi) Chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc…
Ngoài ra, UBTVQH đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình nhiều ý kiến của các vị ĐBQH nêu tại báo cáo đầy đủ; đồng thời, đã rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật phù hợp về thể thức, kỹ thuật văn bản, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của dự thảo Luật./.