Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có 10 chương, 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Luật áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định rõ quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh danh. Hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng.
Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh. Nhà nước tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch. Nhà nước có chính sách thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo điều kiện để xã hội, người tiêu dùng tham gia quá trình giám sát việc thực hiện pháp luật về cạnh tranh.
Theo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh. Bộ Công thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh. UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh. Luật quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm.
Ngoài ra, Luật quy định Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương. Luật cũng quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường lạm dụng vị trí độc quyền. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm gồm: xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh; ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó; cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó....
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.