Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

15/11/2018 15:56

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường và biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Với 444/447 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, chiều 15/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Trước khi biểu quyết thông qua một số điều và toàn bộ dự án Luật, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Theo báo cáo, về bố cục của dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng, tiếp cận bí mật nhà nước; quy định về tiêu chuẩn đối với người làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước; quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị bỏ các điều quy định về biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước tại Mục 4 Chương III vì cho rằng, nhiều nội dung còn chưa cụ thể, mới chỉ nêu tên biện pháp và dẫn chiếu một số quy định của pháp luật chuyên ngành.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu gộp các điều khoản quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương vào 01 điều quy định chung về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung quy định về điều khoản chuyển tiếp việc thi hành một số quy định của Pháp lệnh hiện hành.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hút nội dung Điều 14 dự thảo Luật Chính phủ trình để thiết kế xây dựng thành 02 điều; thu hút nội dung Điều 37 dự thảo Luật Chính phủ trình để thiết kế xây dựng thành 02 điều; bổ sung Điều 28 về quy định chuyển tiếp đối với việc áp dụng thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; bỏ các điều quy định về biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước tại Mục 4 Chương III dự thảo Luật Chính phủ trình; bỏ Điều 29 quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước; đồng thời, thu hút nội dung quy định tại các Điều 30, 31, 32, 33, 34, 35 và 36 dự thảo Luật Chính phủ trình để thiết kế thành 01 Điều quy định về “Trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức” như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Với ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn đối với người làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để quy định cụ thể tiêu chuẩn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc xác định tiêu chuẩn và phân công công tác đối với “người làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước” thì trước hết phải xác định cụ thể các vị trí việc làm có liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước. Đối với các lĩnh vực có bí mật nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho chuyển nội dung này sang Điều 7 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý để quy định cụ thể các lĩnh vực và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho phù hợp.

Đối với nôi dung về phân loại bí mật nhà nước; phạm vi bí mật nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 8 và Điều 9 dự thảo Luật Chính phủ trình. Trên cơ sở đó, để bảo đảm linh hoạt và rõ chủ thể chịu trách nhiệm, Điều 9 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý quy định giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước để quy định các loại thông tin được xác định là bí mật nhà nước theo từng độ mật làm căn cứ để các cơ quan, tổ chức tạo ra thông tin bí mật nhà nước quyết định độ mật của bí mật nhà nước...

Về ban hành danh mục bí mật nhà nước, Luật quy định người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước bao gồm:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục bí mật nhà nước của Đảng; Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội lập danh mục bí mật nhà nước của tổ chức chính trị - xã hội; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lập danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lập danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.

Người lập danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định trước khi Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến hết thời hạn sau: Cụ thể, 30 năm đối với bí mật nhà nước là mức độ "Tuyệt mật"; 20 năm đối với bí mật nhà nước là mức độ "Tối mật"; 10 năm đối với bí mật nhà nước là mức độ "Mật".

Trách nhiệm của người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước

Đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp để bảo vệ bí mật nhà nước do mình trực tiếp quản lý; Trường hợp phát hiện vi phạm trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước thì người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước phải có biện pháp xử lý và báo cáo người có trách nhiệm giải quyết, thông báo cho cơ quan chủ trì xác định bí mật nhà nước biết để có biện pháp khắc phục.

Trước khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước phải bàn giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý; cam kết bảo vệ bí mật nhà nước đã được quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO