Quốc hội thảo luận về thí điểm mô hình Chính quyền đô thị Đà Nẵng

Tuyết Chinh| 23/05/2020 13:02

(TN&MT) - “Nếu như Chính phủ không có chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng sẽ rất dễ dẫn đến hội chứng “xin cơ chế đặc thù”, đại biểu quốc hội nêu ý kiến.

Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng nay (23/5), Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Cơ chế đặc thù - Tạo động lực phát triển

Trình bày tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Một số ý kiến cho rằng, hiện nay một số thành phố trực thuộc trung ương khác cũng đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý về chủ trương thí điểm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và thí điểm tổ chức chính quyền đô thị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quốc Khánh

Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong tổng thể yêu cầu phát triển và đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị nói chung và ở các thành phố trực thuộc trung ương nói riêng. Đồng thời, cân nhắc thời gian thực hiện thí điểm, tổng kết, đánh giá đồng bộ để đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho từng địa phương, bảo đảm tính tương quan, tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát.

Vấn đề thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trước hết là về quy hoạch, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các luật về quy hoạch hiện hành quy định rất chặt chẽ thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác lập, quản lý, điều chỉnh quy hoạch thời gian qua.

Việc dự thảo Nghị quyết đề nghị thí điểm giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố cho chính quyền thành phố mà không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đã đề ra. Do vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị không thí điểm việc giao chính quyền thành phố thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố để bảo đảm tính ổn định, thống nhất và các nguyên tắc chung trong hoạt động quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Tránh tình trạng địa phương nào cũng “xin cơ chế đặc thù”

Thảo luận về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề: chúng ta tôn trọng tính đặc thù để tạo sự linh hoạt trong cơ chế quản lý điều hành là điều cần làm, nhưng phải tránh tình trạng một số địa phương tiếp tục đề xuất Quốc hội ban hành các Nghị quyết đặc thù. Điều này có thể gây khó khăn cho công tác quản lý điều hành trong bộ máy chính quyền.

Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình. Ảnh: Quốc Khánh

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, phải đặt Nghị quyết này trong mối quan hệ với Nghị quyết của TP HCM và Hà Nội để từ đó đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật các thể chế, cơ chế chính sách đã thí điểm thực hiện. Sau tổng kết có thể nhân rộng ra các địa phương khác.

Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho biết, hiện nay các quy định riêng rẽ của các thành phố được áp dụng đều có tên gọi là “cơ chế đặc thù”. Tuy nhiên, không thể là đặc thù khi về cơ bản cả 5 thành phố đều có những chính sách tương tự giống nhau.

“Đặc thù phải dựa trên sự khác biệt về vai trò, vị trí, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vị trí địa lý để có những chính sách tương thích phù hợp. Nhưng nếu nhìn vào bức tranh tổng thể chúng tôi thấy, trong lĩnh vực tài chính ngân sách chỉ xoay quanh một số vấn đề cơ bản”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói và cho rằng, trong thời gian tới cần có sự rà soát để dựa trên thế mạnh của từng thành phố đưa ra quy định đặc thù, tránh áp dụng theo lối mòn, công thức, như vậy sẽ mất đi ý nghĩa của hai từ “đặc thù”.

Lấy ví dụ như là Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cũng có những đặc thù cần chính sách riêng, đại biểu Tạ Minh Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, nếu như Chính phủ không có chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm này thì sẽ rất dễ dẫn đến hội chứng “xin cơ chế đặc thù”.

Thí điểm cần có những điều kiện “phải hơn, phải khác”

Đại biểu Tạ Minh Hạ nêu ý kiến: nên chăng dự thảo Nghị quyết xem xét, bổ sung điều khoản về trách nhiệm của TP Đà Nẵng, có nghĩa là Quốc hội cho cơ chế đặc thù thì chúng ta cần có những điều kiện “phải hơn, phải khác” để sau này có tổng kết, đánh giá được hiệu quả của mô hình thí điểm đối với TP Đà Nẵng, nhà nước và khu vực.

“Đã gọi là mô hình thí điểm thì phải là những vấn đề mới mà luật chưa có và khác với các điều luật hiện hành”, đại biểu Tạ Minh Hạ nói.

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quốc Khánh

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) cho biết thêm, hiện nay, trên phạm vi cả nước có 5 thành phố trực thuộc trung ương được áp dụng cơ chế đặc thù đó là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP HCM. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể của các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này vẫn có điểm bất hợp lý. Đó là đa dạng về chủng loại, nhiều về số lượng và được ban hành rải rác vào các thời điểm khác nhau.

“Cùng là một vấn đề nhưng với Hà Nội vừa có Luật, vừa có Nghị định; tới đây sẽ có Nghị quyết. Đối với TP HCM đang áp dụng thí điểm Nghị quyết thí điểm; Hải Phòng, Cần Thơ có Nghị định. Đà Nẵng hiện đang có Nghị định và tới đây sẽ có Nghị quyết”, Bà Mai lấy ví dụ và cho rằng, điều này cho thấy sự thiếu thống nhất về hệ thống văn bản, như vậy sẽ gây vướng mắc trong thực hiện.

“Tôi cho rằng, tình trạng này không nên kéo dài; trước mắt chúng ta có thể ban hành một số Nghị quyết về áp dụng thí điểm; tuy nhiên xét về lâu dài cần rà soát, tổng kết, đánh giá và quy định thành một luật chung; tất nhiên sẽ có những chương mục phù hợp với từng thành phố song cần có cơ sở pháp lý ổn định để áp dụng, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện”, bà Mai nêu ý kiến.

“Khi làm cơ chế chính sách đều tính đến đặc thù, tính chất riêng của từng địa phương, đối tượng. Trong quá trình phát triển, chúng ta có thể phát hiện ra những vấn đề cản trở địa phương; không tránh khỏi trong quá trình đó chúng ta cần bổ sung thêm những cơ chế, chính sách khác hơn, đặc thù hơn để tạo thuận lợi cho các địa phương, vùng miền phát triển, khai thác được tiềm năng, lợi thế, giải phóng các nguồn lực, phát triển nhanh hơn, tạo động lực và lôi kéo các địa phương xung quanh phát triển. Mục tiêu các cơ chế chính sách cho Hà Nội, TP HCM và nay là Đà Nẵng là như vậy.
Trong chiến lược phát triển trong 10 năm tới chúng ta đều xác định các vùng động lực, cực tăng trưởng cũng như thành phố lớn sẽ là động lực phát triển đất nước. Chúng tôi sẽ bám sát vào chiến lược đó tham mưu Chính phủ xây dựng một Luật riêng cho các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm như vậy hay không?”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng Phát biểu tại Phiên làm việc sáng nay (23/5).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về thí điểm mô hình Chính quyền đô thị Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO