Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19

Khương Trung | 25/07/2021 14:52

(TN&MT) - Sáng 25/7, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp cho 6 tháng cuối năm. “Covid-19” là cụm từ được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập và coi là điểm nhấn trong bài phát biểu của mình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Với việc đại dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại trên diện rộng, các đại biểu đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ được áp dụng những biện pháp chưa có Luật là rất cần thiết để công tác phòng, chống dịch hiệu quả và thiết thực hơn nữa.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) bày tỏ lo ngại từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, do đó đại biểu cho rằng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng và là mục tiêu lớn trong thời gian tới. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn nữa. Tôi cho rằng việc Quốc hội giao cho Chính phủ được áp dụng những biện pháp chưa có Luật là rất cần thiết”, Đại biểu Giang đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông)

Là đại biểu đoàn Bắc Giang, địa phương vừa vượt qua đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng, Đại biểu Trần Văn Lâm trân trọng chuyển những tình cảm, sự biết ơn sâu sắc của cử tri, nhân dân Bắc Giang đến với người dân cả nước, với các lực lượng tuyến đầu chống dịch đã giúp đỡ Bắc Giang trở về với trạng thái bình thường. Đại biểu “Đồng tình với việc Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ “ra trận” để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.” “Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tôi tin tưởng cuộc chiến chống dịch sẽ thành công”, đại biểu Lâm nói.

Đại biểu tỉnh Bắc Giang khẳng định phải khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt, bày tỏ đồng tình, tuyệt đối tin tưởng vào các giải pháp của Chính phủ. Theo Đại biểu Lâm, phải tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp cần chủ động thích ứng linh hoạt trong dịch bệnh, có như vậy sự phát triển trong quý IV mới là nền tảng để thực hiện tốt mục tiêu của cả năm 2021.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang)

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) dành toàn bộ thời gian phát biểu để điểm lại những vấn đề nổi lên trong các đợt phòng, chống dịch vừa qua.

Trước hết, nữ đại biểu nhấn mạnh “phòng, chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan”. Bà nêu thực tế tại một số địa phương xuất hiện những biện pháp gây tranh cãi, khó khăn cho người dân, doanh nhiệp như không cho xe nông sản đi qua.

“Có doanh nghiệp phản ánh đã thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định”, bà Thủy dẫn chứng thực tế.

Ví von cả nước giống như một cơ thể sống có quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, bà Thủy cho rằng không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời tất cả. “Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”, bà Thủy nói và đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo vấn đề này.

Các khách mời là Bộ trưởng, Trưởng ngành tham dự phiên họp

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, với chủ trương hành động “chống dịch như chống giặc” tuy “kẻ thù” rất mạnh và lại vô hình, mọi hành động quyết sách đều phải quyết liệt, quyết tâm cao, việc Quốc hội đồng ý cho Chính phủ thực hiện những hành động mạnh mẽ là việc làm rất cần thiết. Đại biểu An đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa để đưa vaccine về Việt Nam và đồng ý cho doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vaccine cho nhân viên. Cần có vaccine “made in Vietnam” càng sớm càng tốt.

Đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) ghi nhận Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ kinh doanh, phục hồi các hoạt động kinh tế; đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

Đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội)

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia cùng cả nước phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, đẩy mạnh công tác từ thiện, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, tham gia quyên góp nguồn lực đóng góp cho phòng chống dịch. Đáng chú ý, ngày 19/7, Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội ban hành văn bản kêu gọi tăng ni, Phật tử thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về phòng chống dịch.

Với những ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo của một số Bộ của Chính phủ xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua.

Quốc hội dành trọn ngày hôm nay để thảo luận kinh tế - xã hội và phòng chống Covid-19 và dự kiến ra nghị quyết vào phiên bế mạc, 28/7.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO