Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật. Tờ trình nêu rõ: qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân...
Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Quan điểm xây dựng luật nhằm: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, bổ sung những quy định mới để phù hợp với sự phát triển của đất nước và thế giới.
Thẩm tra tờ tình, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam thời gian qua.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến xuất nhập cảnh, bảo vệ an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, do hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có liên quan đến một số quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, như Công ước về quyền con người, các hiệp định, thỏa thuận song phương về nhận trở lại công dân với các nước và một số đạo luật có liên quan, nên đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Thảo luận toàn thể tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền đi lại của công dân; công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện trong cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng đối với khoản 3 Điều 28 quy định "người đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế, quyết định của Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Hội đồng trọng tài thì bị tạm hoãn xuất cảnh". Ông Dương Minh Tuấn cho rằng điều này quy định như vậy rất đúng, rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Minh Tuấn, có một điểm có hơi rộng quá. Ví dụ, bây giờ đưa ra Hội đồng trọng tài, việc này mang tính tranh chấp, thỏa thuận hòa giải, quyết định của trọng tài là có hiệu lực ngay. Giữa 2 bên tranh chấp với nhau, trọng tài sau khi công nhận kết quả thỏa thuận là bên A có nghĩa vụ thanh toán cho bên B, thời gian thanh toán có thể là 10 năm, 20 năm với số tiền khá lớn, như vậy là bên A đang thực hiện nghĩa vụ, mà thực hiện thỏa thuận này thì bên A có thể ra nước ngoài để làm ăn, kiếm thu nhập về để thực hiện nghĩa vụ.
Bên cạnh đó, oogn Dương Minh Tuấn cho rằng, nếu chiếu theo điều này thì bên A đó không được đi nước ngoài. “Tôi cho rằng điều này phạm vi cần gọn lại hơn là bổ sung thêm từ "vi phạm" tức là người nào vi phạm nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, hình sự, kinh tế, quyết định của Ủy ban cạnh tranh qua trọng tài thì người đó mới bị tạm hoãn hoặc không được xuất cảnh. Chứ nếu không có chữ vi phạm mà ta cam kết thực hiện nghĩa vụ mà bây giờ nói rằng không cho người ta đi nước ngoài, tôi cho rằng như vậy nó có cái gì đó ảnh hưởng đến quyền của người xuất cảnh” - Đại biểu Dương Minh Tuấn nói.
Còn theo đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn tỉnh Bắc Giang) thì dự thảo Luật có nhiều điểm mới, hướng tới phục vụ cho người dân, cụ thể hóa được các quyền tự do đi lại của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp 2013. Một trong những điểm mới của Dự luật là quy định hộ chiều có gắn chíp điện tử và cổng kiểm soát tự động.
Theo đại biểu Hà Thị Lan, hiện đã có trên 120 quốc gia sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử, khu vực Đông Nam Á có Việt Nam và Myanma là chưa sản xuất và sử dụng. Đây là xu thế toàn cầu được Tổ chức hàng không dân dụng khuyến khích sử dụng. Đại biểu cho rằng mục đích của việc phát hành hộ chiếu điện tử nhằm làm tăng tính xác thực của hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả, vi phạm pháp luật. Do đó, đây là 1 giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn. “Tuy nhiên để người dân hiểu rõ chức năng và lợi ích của hộ chiếu điện tử thì cơ quan chức năng phải tuyên truyền pháp luật; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án của Chính phủ để khi luật được thông qua thì có thể phát hành được hộ chiếu điện tử...” - đại biểu Hà Thị Lan góp ý.
Trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 12/6 đã có 21 đại biểu đăng ký và phát biểu. Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo của dự án đã có phát biểu giải trình và làm rõ nội dung mà một số đại biểu quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: các đại biểu cơ bản tán thành với những nội dung của dự thảo luật và cho rằng sự ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền tự do đi lại của người Việt Nam, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị tiếp tục làm rõ, rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp, đặc biệt là sự tương thích với các điều ước quốc tế, các luật liên quan đến quản lý cư trú, căn cước công dân. Các quy định hiện có ở các văn bản dưới luật để quy định ngay trong luật bảo đảm bao quát và phù hợp. Cần nghiên cứu bổ sung các quy định mới nhằm ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý và nâng cao chất lượng quản lý đối với công tác này.
Về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ tại mục 1 ở Chương III. Các đại biểu đề nghị làm rõ thêm các quy định liên quan đến giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh. Việc cấp, hủy, thu hồi, khôi phục giấy tờ xuất, nhập cảnh, đánh giá, phân tích các phương án quy định vấn đề cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ. Các đại biểu cơ bản tán thành với phương án 1. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo chặt chẽ. Các ý kiến cũng góp ý vào các quy định liên quan đến điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh, các trường hợp tạm hoãn và thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh, làm rõ tính khả thi của việc triển khai các quy định liên quan đến việc cấp hộ chiếu gắn chip điện tử. Việc kết nối hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến các quy định về quy trình, thủ tục gắn với việc cải cách hành chính, minh bạch và đơn giản hóa các khâu. Về nguyên tắc, việc cấp hộ chiếu, quản lý việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân phải đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra thiếu sót, nhưng thủ tục cố gắng phải đơn giản, phù hợp, không gây phiền hà, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của công dân. Ngoài các ý kiến trên, các đại biểu Quốc hội cũng góp ý vào một số điều khoản cụ thể như bố cục, kỹ thuật văn bản.