Quốc hội thảo luận về dự án Luật lực lượng dự bị động viên

Hải Ngọc| 11/11/2019 21:30

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 11/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN của Quốc hội Võ Trọng Việt báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu thảo luận chiều 11/11. Ảnh: Quốc Khánh

Phát biểu thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và cho rằng dự thảo Luật lần này đã được nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý tương đối toàn diện các vấn đề được đại biểu Quốc hội góp ý.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, về cơ bản, các nội dung của dự thảo Luật đã được rà soát, bảo đảm đồng bộ thống nhất, nhiều nội dung đã được chỉnh sửa phù hợp. Các quy định đã được bám sát nguyên tắc, chủ trương xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Việc xây dựng lực lượng dự bị động viên đã bám sát tình hình, đặc thù trong công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Góp ý về tên gọi của dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với tên gọi là "Luật Lực lượng dự bị động viên", vì cho rằng Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên trong quá trình tổ chức thực hiện thời qua đã được đông đảo người dân và đối tượng được áp dụng đồng tình.

Đại biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quốc Khánh

Liên quan đến độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình, một số ý kiến đề nghị tăng hoặc giảm độ tuổi cho phù hợp với thực tiễn; có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa phù hợp, khó khăn trong sắp xếp đơn vị dự bị động viên, không thống nhất với Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phát biểu góp ý về nhiều quy định trong dự thảo Luật, cụ thể, việc đăng ký, huấn luyện lực lượng dự bị động viên; việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật; việc sắp xếp diễn tập, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu của quân nhân dự bị…

Báo cáo giải trình làm rõ thêm những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan chỉnh lý dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh, quy định các nguyên tắc bảo đảm chặt chẽ, sát thực tế.

Về tên gọi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết qua nhiều hội thảo, lấy ý kiến về dự án Luật có nhiều ý kiến đề xuất tên gọi của luật.

Tuy nhiên tên Luật Lực lượng dự bị động viên là tên quen thuộc, các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm phát luật đều sử dụng  thuật ngữ “Lực lượng dự bị động viên”. Quá trình thực hiện cũng không phát sinh vướng mắc nên đề nghị giữ tên như Dự thảo.

Toàn cảnh phiên họp chiều 11/11. Ảnh: Quốc Khánh

Về cơ sở huấn luyện dự bị động viên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, hiện nay cả nước đã có 24 Trung tâm huấn luyện dự bị động viên ở cấp tỉnh. Bộ Quốc phòng cũng đã sử dụng các trường quân sự, các khung để tổ chức huấn luyện.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng cần thiết phải quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên trong Luật theo hướng như dự thảo Luật: “Đơn vị dự bị động viên thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh thực hiện việc huấn luyện tại cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh.

Chính phủ quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh. Việc huấn luyện đơn vị dự bị động viên không thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”. Quy định như vậy không làm tăng tổ chức, biên chế, ngân sách, tận dụng cơ sở của Bộ Quốc phòng để bảo đảm cho công tác huấn luyện.

Về thẩm quyền lập kế hoạch có ý kiến cho rằng còn quy định chung chung, tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Quốc hội cho phép quy định theo hướng mở và nội dung chi tiết giao Chính phủ quy định.

Về xây dựng lực lượng dự bị động viên gặp khó khăn trong huấn luyện tại doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tương tự như khó khăn đối với dân quân tự vệ, do đó, Luật cần phải có quy định để khẳng định trách nhiệm, vai trò của mọi công dân, kể cả những người nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam, tuy nhiên không thể quy định cứng.

Do đó, dự thảo Luật quy định theo hướng có sự thỏa thuận, nhất trí phát huy hiệu quả thực tiễn từ mô hình của Bộ Quốc phòng và kinh nghiệm của các tỉnh phía Nam để từ đó phát triển lực lượng dự bị động viên và các doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Về phương tiện kỹ thuật dự bị động viên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Luật cần quy định để bảo đảm trách nhiệm của công dân với Tổ quốc, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để quy định chặt chẽ, hợp lý.

Về độ tuổi, có ý kiến đề nghị tăng nhưng cũng có ý kiến đề nghị giảm độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình để phù hợp thực tiễn. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho hay, dự thảo Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình thấp hơn độ tuổi của quân nhân chuyên nghiệp dự bị theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

Quy định này đã có nghiên cứu và tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động của Bộ Quốc phòng. Do đó, đề nghị giữ như dự thảo Luật để vừa bảo đảm nguồn đối tượng nhiều, đồng thời bảo đảm sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội bổ sung quy định nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp trong giám sát cũng như trong phân bổ nguồn lực và ngân sách, bổ sung quy định vai trò của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thế tăng cường giám sát. Đồng thời rà soát các quy định về bồi thường, các hành vi bị nghiêm cấm, về thẩm định, phê duyệt kế hoạch, quyền lợi, trách nhiệm của quân nhân dự bị… để bảo đảm tính cụ thể, khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét biểu quyết thông qua dự án Luật Lực lượng dự bị động viên vào gần cuối kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về dự án Luật lực lượng dự bị động viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO