Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội đã thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 4 của Luật Điện lực. Theo đó, Chính phủ đề xuất chỉ quy định Nhà nước độc quyền trong "vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng" và "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ".
Cần quy định chặt chẽ hơn
Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điều độ hệ thống điện quốc gia. Sự độc quyền này dựa trên nhiều cơ sở khi ban hành quy định này, trong đó có yếu tố quan trọng là bảo đảm an ninh, an toàn thông suốt của hệ thống truyền tải điện mà sự an toàn đó tác động trực tiếp đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Để hiện thực hóa Nghị quyết số 55 của Đảng thì việc từng bước xã hội hóa hoạt động truyền tải điện là cần thiết và có cơ sở thực tiễn, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm hiệu quả tổng thể của hoạt động truyền tải điện quốc gia. Tuy nhiên, việc thiết lập một cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực ngoài nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát điều tiết của Nhà nước thế nào thì cần phải tính toán thận trọng và chắc chắn.
Đại biểu Vũ Huy Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, cho rằng, theo dự thảo luật, Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước xây dựng. Quy định như vậy là chưa chặt chẽ, chưa thể hiện được vai trò cần và đủ của Nhà nước trong việc kiểm soát và bảo đảm an ninh, an toàn truyền tải điện trong mọi hoàn cảnh, tình huống.
Do đó, đại biểu Vũ Huy Khánh đề nghị, quy định này cần phải chỉnh lại theo hướng Nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ tác động ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả công trình đó là do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Bàn luận về nội dung này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, cho rằng, phạm vi sửa đổi chỉ trong Điều 4 nhưng là sự thay đổi lớn về chính sách. Việc thể chế hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, theo đó cho phép khối tư nhân được tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết. Tuy nhiên, thể chế hóa như thế nào cho đúng và phù hợp với thực tế là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Về phạm vi mở cửa, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Dự thảo luật quy định: "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, Nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng". Đại biểu cho rằng, quy định như trên là chưa rõ về mặt nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể sẽ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng.
Từ phân tích trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị quy định cụ thể 3 nội dung như sau: Thứ nhất, cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và chủng loại nào thì giao Nhà nước quy hoạch và chỉ giao EVN thực hiện.
Thứ hai, cần quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư. Thứ ba, quy định cụ thể về trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp được phép đầu tư.
Về tính an toàn của hệ thống, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, theo dự thảo Luật, sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành và điều này dẫn đến thực tế là trong cùng một hệ thống sẽ có những chủ thể vận hành khác nhau. Tham khảo ý kiến của các chuyên gia cho thấy, hệ thống lưới điện truyền tải cần phải có sự điều hành thống nhất, đặc biệt là với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần cân nhắc thận trọng để tránh gây ra hậu quả sau này.
Liên quan đến giá điện, trong tờ trình có nêu việc tư nhân hóa tại một số nước dẫn đến giá điện có lúc rất cao. Vì vậy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, không tác động đến người tiêu dùng. Trong tờ trình có đề cập đến kinh nghiệm của Brazil.
Việc hạch toán và định giá chuyển giao, theo dự thảo luật, sau khi xây dựng, đầu tư thì doanh nghiệp có thể chuyển giao cho Nhà nước quản lý, vận hành, tuy nhiên, về cơ chế định giá, phương pháp định giá là chưa được quy định cụ thể trong dự thảo luật. “Hệ thống lưới điện truyền tải là một trong những loại tài sản và trên thực tế thời gian qua cũng đã có trường hợp định giá chưa chuẩn xác, dẫn đến thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Chính vì vậy, tôi cũng nghĩ rằng cần quy định cụ thể để có căn cứ thực hiện”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị.
Trong vấn đề lựa chọn nhà đầu tư, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng thì cần xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn cụ thể để tất cả các doanh nghiệp có thể cạnh tranh tham gia.
Hướng đến mục tiêu doanh nghiệp và người dân cùng hưởng lợi
Nhiều đại biểu cho rằng, việc xây dựng hệ thống truyền tải và cho phép tư nhân tham gia sẽ nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân. Đồng thời, việc xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực sẽ hỗ trợ phát triển nhanh chóng hệ thống truyền tải.
Đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Tuy nhiên, đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình bày tỏ lo ngại việc xã hội hóa phân bổ nguồn điện sẽ ảnh hưởng đến an ninh. Đại biểu cho rằng, nếu Nhà nước quản lý, vận hành tốt sẽ không ảnh hưởng gì mà còn có lợi cho dân. Chính vì thế, cần có quy hoạch mạng lưới truyền tải điện rõ ràng, phân định công đoạn nào là độc quyền của Nhà nước, công đoạn nào tư nhân có thể tham gia xã hội hóa để có quản lý rõ ràng, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa phát triển được hệ thống điện quốc gia nhưng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân cùng được hưởng lợi.
Theo đại biểu Khang Thị Mào, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, dự thảo quy định, nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ. Quy định như vậy được hiểu là các lưới điện trong quy hoạch đã xác định thì Nhà nước sẽ đầu tư. Đại biểu cho rằng như vậy sẽ hạn chế việc tham gia của các thành phần kinh tế khác vào lĩnh vực này, chưa đảm bảo sự công bằng và không thu hút được đa dạng nguồn lực tham gia phát triển lưới điện truyền tải.
“Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh nội dung này theo hướng mở hơn. Cụ thể, Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải chứa các dự án lưới điện đã được Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ. Đối với những lưới điện Nhà nước chưa đầu tư mà có trong quy hoạch thì các thành phần kinh tế sẽ được tham gia đầu tư”, đại biểu Khang Thị Mào kiến nghị.
Nhìn nhận ở góc độ khác, đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, một số đại biểu băn khoăn về vấn đề an ninh, an toàn của hệ thống điện quốc gia, những vấn đề liên quan đến sự cố khi cho phép các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư xây dựng và vận hành. Đại biểu cho biết, hiện nay nhà nước kiểm soát hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải qua 4 công cụ: quy hoạch; cấp phép; quản lý, vận hành thông qua công cụ điều độ, điều tiết điện lực do Nhà nước độc quyền; kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động truyền tải. Riêng về quy hoạch, theo báo cáo giải trình của Chính phủ sẽ xem xét để quy định rõ danh mục do Nhà nước đầu tư trực tiếp, danh mục các dự án do thành phần kinh tế tư nhân đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cho biết, Chính phủ mới đặt vấn đề xử lý một việc là phá thế độc quyền quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật Điện lực. Để thể chế hóa đầy đủ, đặc biệt là các nội dung quy định tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị thì còn nhiều vấn đề phải làm, ví dụ như câu chuyện về năng lượng sạch, giá, hợp đồng điện, rất nhiều các nội dung. Bây giờ Chính phủ đang làm đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực. Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.