Quốc hội thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

23/05/2018 09:14

(TN&MT) - Sáng 23/5, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu - Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc

Trước phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

2205 le thi nguyet vinh phuc
Đại biểu thảo luận tại Hội trường Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quốc Khánh

Theo đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội;

Đồng thời, tổ chức các cuộc làm việc với đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan  để chỉnh lý dự thảo Luật; gửi dự thảo Luật đã được chỉnh lý để xin ý kiến Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ủy ban nhân dân 03 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật.

Trên cơ sở quán triệt quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật theo các kết luận của Bộ Chính trị, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH tại kỳ họp thứ 4, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, ý kiến của các Đoàn ĐBQH và các cơ quan, địa phương có liên quan, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung về quy hoạch, các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, các nội dung về phân cấp, phân quyền cho chính quyền đơn vị HCKTĐB, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh cùng nhiều nội dung khác nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị HCKTĐB.

Các quy định trong dự thảo Luật về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy... được tiếp thu trên cơ sở nguyên tắc phải bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhân dân. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 6 chương, 85 điều và 6 Phụ lục, kèm theo dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật .

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật như:  Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi, kết cấu của Luật và nguyên tắc áp dụng pháp luật; Về quy hoạch đặc khu; Về cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; Về một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai; Về ngân sách và ưu đãi đầu tư; Về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu; Về vấn đề chuyển tiếp và triển khai thi hành Luật… để các đại biểu thảo luận, hoàn thiện dự thảo Luật.

Sau báo cáo của ông Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đang sôi nổi thảo luận tại Hội trường. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO