Quốc hội thảo luận các Nghị quyết và dự án Luật

Trường Giang - Khương Trung| 26/10/2022 13:15

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Trong đó, về việc xây dựng Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá góp phần đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; đảm bảo công khai, minh bạch, mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá; khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá quyền lựa chọn biển số.

Dự thảo Nghị quyết gồm 7 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ với 123 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 21 lượt ý kiến và 2 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và nhất trí với nhiều nội dung chính của dự án Luật.

Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Luật để gửi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Sau Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận các Nghị quyết và dự án Luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO