Đại biểu Ngọ Duy Hiểu phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 5/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, Chủ nhiệm Ủy Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, từ năm 2012 đến nay, Quốc hội đã ban hành 10 Nghị quyết liên quan đến công tác tư pháp.
Trong đó đề ra nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể yêu cầu Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện, tạo những chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ với các cơ quan tư pháp là cần thiết, nhằm định lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, có căn cứ để giám sát, quản lý ngành và quan trọng hơn là để các cán bộ thực thi nhiệm vụ có căn cứ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu.
Dự thảo báo cáo cũng nêu rõ, tổng kết thực tiễn thi hành các nghị quyết vừa qua cho thấy, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ được nêu trong các Nghị quyết này đến nay đã không còn phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, việc có nhiều nghị quyết dẫn đến quy định có phần tản mạn, một số nội dung trùng lắp nên có khó khăn nhất định trong quá trình tổ chức thực hiện. Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ đề nghị QH xem xét, ban hành Nghị quyết chung về công tác tư pháp.
Toàn cảnh phiên họp sáng 5/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Về việc xác định các chỉ tiêu mới trong ngành tư pháp, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cần bảo đảm các căn cứ sau: thứ nhất, cân đối giữa bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tư pháp; thứ hai, căn cứ vào yêu cầu của cải cách tư pháp và yêu cầu của các Bộ luật, luật về tư pháp; thứ ba, từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp trong những năm gần đây để xác định các chỉ tiêu mới; thứ tư, bảo đảm tính khả thi từ những điều kiện thực tế của các cơ quan tư pháp về cán bộ, cơ sở vật chất, số lượng án tăng, tính phức tạp của các vụ án...
Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 5/11, đa số các Đại biểu Quốc hội tán thành với việc QH ban hành Nghị quyết chung về công tác tư pháp, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp trong các nghị quyết trước đây Quốc hội đã ban hành. Đồng thời, điều chỉnh một số chỉ tiêu, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án.
Các vị đại biểu Quốc hội cũng tán thành với các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Các Đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2019, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta nhưng Chính phủ và các cơ quan trong ngành tư pháp đã triển khai toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết đã đạt và vượt các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra với ngành tư pháp.
Bên cạnh các mặt tích cực, các Đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo; tội phạm xâm hại trẻ em trẻ em; tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp, hoạt động “tín dụng đen”; tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp...
Đại biểu Ngô Sách Thực (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang), phân tích các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm mua bán người đã được triển khai khá đồng bộ từ tuyên truyền, vận động đến điều tra, xét xử.
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tội phạm buôn bán phụ nữ và đã xuất hiện một số loại hình tội phạm mới như mang thai hộ, mua bán bào thai... “những loại tội phạm này cần có biện pháp tổng thể nhằm phòng ngừa và ngăn chặn” Đại biểu Ngô Sách Thực nói.
Đối với công tác phòng, chống tội phạm môi trường, nhiều vị Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. tuy nhiên việc xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, các cấp, ngành…Trong thời gian tới, các vị Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng phát biểu nêu quan điểm về vấn đề tinh giản biên chế trong ngành tư pháp; sử dụng nhiều công nghệ thông minh trong hoạt động xét xử như xét xử trực tuyến; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý nhằm nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân, để người dân ý thức được trách nhiệm, lợi ích khi tuân thủ pháp luật và chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm cùng các cơ quan chức năng...
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có báo cáo giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà các vị Đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận