Quốc hội lo lắng trước thực trạng vi phạm pháp luật môi trường

07/11/2013 00:00

(TN&MT) - Ngày 7/11, Quốc hội đã thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

(TN&MT) - Ngày 7/11, Quốc hội đã thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
   
Vi phạm pháp luật môi trường đáng báo động
  Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu vấn đề, thực trạng vi phạm pháp luật về môi trường ở nước ta hiện nay đáng báo động và đã gây ra nhiều hậu quả, các vụ xả thải Vedan, Sonadezi Đồng Nai, TungKuang Hải Dương, Nicotex Thanh Hóa, một số công trình thủy điện vừa và nhỏ gây động đất kích thích vỡ đập, xả lũ làm biến đổi dòng chảy tàn phá rừng miền Trung, Tây Nguyên… chỉ là vài minh chứng đáng lo ngại. Để xảy ra tình trạng này, theo đại biểu là do Luật bảo vệ môi trường đã không chấp hành nghiêm trước hết là ở người thực thi công vụ, cụ thể.
   
  Cụ thể, các quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM không được chấp hành nghiêm ngay từ khâu lập, thẩm định phê duyệt, kiểm tra thực hiện. Bởi lẽ, ĐTM là barie quan trọng đầu tiên để bảo vệ môi trường mà các dự án phải vượt qua, nhưng thực trạng có nhiều bản ĐTM chất lượng kém đối phó không đáp ứng được các yêu cầu của Điều 20. Đáng lưu ý là Nhà nước chưa hề quy trách nhiệm của người lập, người thẩm định, người phê duyệt, người kiểm tra, giám sát thực hiện các cam kết trong ĐTM khi xảy ra tình trạng trên.
   
  Theo đại biểu Lê Thị Nga, việc xử lý hành chính nương nhẹ, không nghiêm, mặc dù nhiều vụ vi phạm liên tục, kéo dài nhưng liên tiếp xử phạt hành chính bằng tiền mà không áp dụng chế tài nặng hơn như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Đại biểu dẫn chứng: Vụ Nicotex từ năm 2008 đến nay có 10 đoàn đến làm việc, kết quả phạt tiền nhẹ, nhắc nhở chấn chỉnh. Khi vụ việc bị đẩy lên đến đỉnh điểm gần đây nhất mới phạt hơn 400 triệu, đặc biệt có một đoàn của Cục bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thanh tra năm 2010, nhưng kết thúc thanh tra không có tài liệu phản ánh kết quả xử lý. Tháng 4/2012 Chi cục bảo vệ thực vật Thanh Hóa kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở đã kết luận cơ sở đạt loại A. Vụ Hào Dương xả thải vi phạm từ năm 2007 đến nay ,xử phạt hành chính 9 lần, cao nhất là 340 triệu, vẫn không đình chỉ, nay ngang nhiên tái phạm.
   
  Mặc dù theo thông tin cho biết cơ quan tham mưu đã từng đề nghị, đặc biệt cơ quan chức năng còn có đề xuất đưa công ty này ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các vụ Vedan phạt hơn 170 triệu, Tung Kuang 300 triệu, Sonadezi hơn 400 triệu. “Như vậy việc chôn hàng trăm tấn hóa chất độc, việc xả thải trộm vi phạm nhiều năm, gây thiệt hại vô cùng lớn và lâu dài mà chưa có vụ nào xử phạt đến 500 triệu, liệu có đủ sức trừng phạt và răn đe”, đại biểu đặt câu hỏi.
   
  Phân tích làm rõ thêm nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm pháp luật môi trường như trên, đại biểu Lê Thị Nga cho hay, mặc dù đã có pháp luật hình sự đủ để xử lý nhưng cho đến nay chúng ta chưa truy cứu một trường hợp gây ô nhiễm nào. Có thể khẳng định rằng các vụ gây ô nhiễm vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng và đều được thực hiện do cố ý, có tổ chức chặt chẽ với thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu, đối phó.
   
  Đại biểu đề nghị, Chính phủ thay đổi cách đánh giá khi có sự cố xảy ra thay vì quy lỗi cho thể chế, cho luật thì hãy tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, nhất là Luật bảo vệ môi trường. “Quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự không chỉ đối với người trực tiếp vi phạm mà cả những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý Nhà nước”. Ngoài ra, cũng cần tăng thẩm quyền và kiện toàn tổ chức phương tiện làm việc cho cảnh sát môi trường.
   
Phải khoanh vùng đối tượng tham nhũng
  Thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013, đại biểu Nguyễn Văn Hiến nói: “Đề nghị kiểm toán, thanh tra các công trình, dự án vốn đầu tư Nhà nước. Rất nhiều tiền của dân bị chiếm đoạt như làm nhà vệ sinh cho học sinh, những con đường tiền tỷ, con tàu nghìn tỷ không biết nâng giá như thế nào. Ngân sách Trung ương chi cho các tỉnh Ninh Thuận, Hậu Giang, Bắc Kạn… chỉ bằng một phần của con tàu sắt vụn. Nếu kiên quyết chống tham nhũng và chống có hiệu quả sẽ không phải nâng trần bội chi, không phải phát hành trái phiếu để nuôi tham nhũng”.
   
  Đại biểu Nguyễn Thị Khá, đoàn Trà Vinh nhấn mạnh tới “phòng bệnh hơn chữa bệnh” trong công tác phòng chống “quốc nạn” tham nhũng. Bà Khá đề nghị cần tập trung vào các vụ án tham nhũng để xử nghiêm minh, làm từ gốc chứ không từ ngọn. Việc thu hồi thất thoát từ tham nhũng cũng phải làm triệt để, bởi đó là tiền thuế do dân đóng góp.
   
  Đại biểu Lê Như Tiến đề nghị, bên cạnh những cơ quan hiện có, cần thành lập Cục Điều tra phòng chống tham nhũng trực thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, qua đó có thể trả lời được câu hỏi lớn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là “Liệu có tham nhũng, tiêu cực, bao che trong chính cơ quan bảo vệ pháp luật và trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng hay không?”.
   
  Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng kiến nghị nên khoanh vùng đối tượng có nguy cơ tham nhũng để có hướng khắc phục, xử lý.
Minh Trang
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội lo lắng trước thực trạng vi phạm pháp luật môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO