Quốc hội chốt chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng 6,5 - 7%

Khương Trung | 27/07/2021 18:59

(TN&MT) - Với 475/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiều 27/7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại

Nghị quyết quyết nghị mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025

Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kinh tế tăng trưởng 6,5 - 7%

Từ mục tiêu tổng quát, Nghị quyết xác định các mục tiêu chủ của kế hoạch. Cụ thể, các chỉ tiêu về kinh tế là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP.

Các chỉ tiêu về xã hội được Nghị quyết xác định cụ thể là: Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 67 năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm. Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Các chỉ tiêu về môi trường được Nghị quyết xác định gồm: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Để thực hiện được mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu, Nghị quyết đề ra 12 nhóm nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Theo đó, thứ nhất là, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và an sinh xã hội.

Thứ hai là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thứ tư là tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, các đô thị lớn, các ngành mũi nhọn, các công trình trọng điểm quốc gia. Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP. Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, nhất là đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Thứ năm là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đối với một số tuyến đường ven biển cấp thiết từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, Chính phủ rà soát, tính toán kỹ việc bố trí vốn đầu tư, có giải pháp phù hợp để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư. Quan tâm đầu tư thúc đẩy phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Phấn đấu tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm.

Thứ sáu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.

Thứ bẩy là thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị. Nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành. Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển liên kết vùng, nội vùng, liên vùng, có thể chế điều phối vùng, cơ chế, chính sách để phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới.

Thứ tám là phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.

Thứ chín là tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Bảo vệ, phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Thứ mười là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo.

Mười một là phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Cuối cùng, mười hai là nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Gắn kết chặt chẽ đối ngoại với quốc phòng, an ninh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích; xử lý linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn. Nâng tầm đối ngoại đa phương, thực hiện tốt các trọng trách quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân...

Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết yêu cầu, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước theo chức năng của mình xây dựng chương trình hành động của nhiệm kỳ, kế hoạch cụ thể cho từng năm của nhiệm kỳ, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội; cuối năm 2023 báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết giữa nhiệm kỳ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật giám sát và động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết nhấn mạnh, Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 -2025 đạt kết quả cao nhất.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 24/7/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Đến hết ngày 25/7/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận lại được 369 ý kiến, trong đó có 284 ý kiến hoàn toàn nhất trí, 85 ý kiến tham gia một số nội dung vào dự thảo Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội chốt chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng 6,5 - 7%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO