Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)

Khương Trung | 21/10/2020 14:18

(TN&MT) - Sáng ngày 21/10/2020, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)

Thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đa số đại biểu đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung đại biểu góp ý từ Kỳ họp thứ 9 đến nay. Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các quy định liên quan đến khái niệm thường trú, tạm trú, nơi cứ trú, nơi tạm trú; điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; xóa đăng ký thường trú; điều khoản thi hành của Luật.

Điều kiện đăng ký thường trú là vấn đề còn hai luồng ý kiến khác nhau, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình cả hai phương án xin ý kiến Quốc hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nhiều ý kiến nhất trí với quy định mức diện tích bình quân (tối thiểu 8m2 sàn/người) về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn bởi việc giao HĐND cấp tỉnh quyết định mức diện tích bình quân về chỗ ở có thể sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương.

Quan điểm ủng hộ lập luận, mức diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và mức tối thiểu 8m2 sàn/người hoặc cao hơn cũng được đưa thành chỉ tiêu phấn đấu của hầu hết các địa phương trong cả nước. 

Toàn cảnh phiên họp

Ý kiến ngược lại, đề nghị không nên quy định điều này, vì không bảo đảm bình đẳng về quyền có điều kiện sống thiết yếu.

Cho ý kiến về việc này, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đồng tình với quy định diện tích bình quân tối thiểu như trên. Đồng thời, bà cũng đề nghị nên để HĐND cấp tỉnh quy định cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình.

Cùng ủng hộ quy định này, đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam) lưu ý, dù có thể rất khó kiểm soát, quản lý nếu áp dụng quy định này, nhưng phải đặt ra mục tiêu đó để phấn đấu, tiến tới mục tiêu về quyền tạm trú, thường trú, có nơi ở hợp pháp cũng như điều kiện sinh sống của công dân.

Đơn giản thủ tục đăng ký cư trú hơn nữa

Một trong những điểm nổi bật nhận được nhiều ý kiến đồng thuận trước đây là vấn đề bỏ sổ hộ khẩu giấy thay vì quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Tuy nhiên, tại lần cho ý kiến này, nhiều ý kiến lo ngại sẽ gây phiền hà cho người dân khi bỏ sổ hộ khẩu, tạm trú từ giữa năm sau.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lo ngại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa theo kịp và không thể hoàn thành vào sang năm, khi bắt đầu bỏ sổ hộ khẩu. Và khi đó, khi người dân đi làm các thủ tục thiết yếu, cơ quan chức năng sẽ đòi hỏi, gây phiền hà cho người dân. 

“Công an có thể đảm bảo được về mã số định danh cá nhân, nhưng còn các cơ quan khác thì sao? Sổ hộ khẩu đã gắn bó với chúng ta nhiều năm rồi, bây giờ kéo dài thêm 2 năm nữa cũng không sao cả. Điều này sẽ rất thuận tiện và không gây phiền hà cho người dân”, ông Hòa đề nghị tiếp tục duy trì sổ hộ khẩu đến hết năm 2022, để có thời gian cần thiết hoàn thiện mã số định danh cá nhân.

Quy định bỏ sổ hộ khẩu được xem là cuộc cách mạng trong quản lý nhà nước về cư trú, tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, điều quan trọng nhất không phải là bỏ sổ hộ khẩu mà điều cần thiết nhất là việc đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục đăng ký cư trú. Vấn đề này phải được thực hiện quyết liệt hơn, nhằm thực hiện cam kết Chính phủ số, trong đó lấy người dân làm trung tâm, để không bỏ lỡ chuyến tàu công nghiệp số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO