Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022

Khương Trung | 13/11/2021 13:06

(TN&MT) - Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, sáng ngày 13/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022.

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 473/475 đại biểu Quốc hội tham gia (chiếm 94,79%) tán thành thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022.

Trước đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, cho biết, trong các ngày 22/10 và ngày 08/11/2021, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022; có 134 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại Tổ và 58 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường. Ngày 08/11/2021, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) đã gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết phân bổ NSTW năm 2022.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban TCNS phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Nghị quyết phân bổ NSTW năm 2022.

Về phương án phân bổ NSTW năm 2022: Nhiều ý kiến đề nghị tăng chi cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch COVID-19, cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, mặc dù NSNN còn khó khăn, NSTW năm 2021 dự kiến hụt thu nhưng việc bố trí chi cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch luôn là ưu tiên hàng đầu. Dự kiến phân bổ NSTW năm 2022, chi sự nghiệp y tế tăng khá cao so với dự toán năm 2021 và đã bố trí dự toán thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, kinh phí mua thuốc, vắc xin, trang thiết bị, phương tiện y tế. Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên giai đoạn 2022-2025 đã quy định tiếp tục bố trí chi cho y tế dự phòng đạt tối thiểu 30% ngân sách y tế và ưu tiên cho y tế cơ sở. Bên cạnh đó, Quỹ Phòng, chống COVID-19 là nguồn lực quan trọng cho công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, để tiếp tục tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong điều hành Ngân sách Nhà nước năm 2022, chủ động cân đối nguồn lực, tiếp tục thực hiện tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết để dành nguồn bổ sung cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đồng thời, để bảo đảm việc thanh toán, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế ban hành hướng dẫn sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế khi thanh toán chi phí cho người bị nhiễm COVID-19.

Một số ý kiến đề nghị tăng chi an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội là xác đáng, người nghèo, người yếu thế cần được quan tâm, hỗ trợ, bảo đảm đời sống nhất là trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh. Vì vậy, trong phương án phân bổ NSTW năm 2022 đã dự kiến bố trí chi bảo đảm xã hội, nếu tính cả ngân sách địa phương thì tổng chi NSNN cho lĩnh vực bảo đảm xã hội khoảng 11,9% tổng chi thường xuyên NSNN, cơ bản đáp ứng việc thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chấp thuận như phương án Chính phủ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu tại Kỳ họp.

Có ý kiến đề nghị tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, giải trình như sau: Phương án phân bổ NSTW năm 2022 trình Quốc hội đã tăng cường tiết kiệm chi, giảm bình quân 10% chi thường xuyên; đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền cũng yêu cầu giảm bình quân 15% chi thường xuyên. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ trong điều hành tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa cấp bách, phân bổ chậm để dành nguồn lực cho các khoản chi cần thiết khác.

Có ý kiến đề nghị bố trí tăng cho dự phòng NSTW để bảo đảm đáp ứng chi phòng, chống dịch trong năm 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo giải trình như sau: Dự phòng NSNN năm 2022 dự kiến đã ưu tiên bố trí cao hơn năm 2021, trong đó dự phòng NSTW tăng 17% so với dự toán 2021, dự phòng ngân sách địa phương tăng 8,8% so với dự toán 2021; dự kiến chi dự trữ quốc gia bố trí tương ứng tăng 41,7% so với dự toán năm 2021; phương án phân bổ NSTW năm 2022 đã bố trí riêng chi cho phòng, chống dịch. Như vậy, trong điều kiện ngân sách khó khăn, dự toán năm 2022 đã cố gắng bố trí dự phòng ở mức cao hơn. Hơn nữa, nhu cầu chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng đều là những nhiệm vụ cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận phương án như Chính phủ trình. Đồng thời, trong điều hành, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cắt, giảm các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, không có khả năng triển khai, chậm phân bổ trong năm và tăng cường các giải pháp tăng thu nhằm đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai.

Nhiều ý kiến đề nghị, nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước của địa phương không dùng để xác định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối; không đưa số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào phương án cân đối chi đầu tư phát triển năm 2022 của ngân sách địa phương.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là khoản thu phát sinh 1 lần, tương tự như khoản thu từ đất. Khoản thu này hình thành từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp do địa phương đầu tư, phát triển nên để lại cho địa phương sử dụng, không dùng để tính tỷ lệ điều tiết, tính số bổ sung cân đối cho địa phương là hợp lý. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép quy định số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không dùng để xác định tỷ lệ điều tiết, xác định số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương.

Về đề nghị không đưa số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào phương án cân đối chi đầu tư phát triển năm 2022 của ngân sách địa phương, xin báo cáo, giải trình như sau: Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, khoản thu này thuộc NSNN. Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Ủy ban Thường vụ Quốc hội giai đoạn 2021-2025 đã xác định tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong cân đối NSNN để bố trí cho chi đầu tư phát triển. Đồng thời việc phản ánh số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vào phương án cân đối chi đầu tư phát triển của địa phương nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, thể hiện rõ tổng nguồn lực bố trí cho chi đầu tư phát triển từ NSNN. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép việc xây dựng dự toán và sử dụng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được thực hiện theo quy định hiện hành, đưa vào cân đối chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương.

Một số ý kiến đề nghị xem xét tăng tỷ lệ để lại cho một số địa phương có điều tiết về NSTW bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo, giải trình như sau: Theo quy định của Luật NSNN, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng tỷ lệ điều tiết về NSTW. Tuy nhiên, một số địa phương có điều tiết về NSTW, nhu cầu chi lớn về hệ thống hạ tầng đô thị, phải tự đảm bảo các chế độ chính sách mới tăng thêm trong thời kỳ ổn định ngân sách và đảm bảo cho cả số dân ngoại tỉnh đến học tập, làm việc và sinh sống trên địa bàn. Vì vậy, để bảo đảm nguồn lực cho các địa phương này, Chính phủ đã trình Quốc hội hỗ trợ 10 địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, dự phòng NSTW năm 2021 cũng đã hỗ trợ một số địa phương chi cho công tác phòng chống dịch: Tp.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai… Ngoài ra, việc xác định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho các địa phương năm 2022 xây dựng trên cơ sở thực tế phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19, chỉ áp dụng cho năm ngân sách 2022; từ năm 2023 căn cứ tình hình thực tế sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Vì vậy, trước mắt trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép được giữ như phương án Chính phủ trình.

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Đề cập dự thảo Nghị quyết phân bổ NSTW năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, cho biết, có ý kiến đề nghị ghi cụ thể tỷ lệ phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa NSTW và ngân sách địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu năm 2022 giữa NSTW và ngân sách địa phương theo tỷ lệ phần trăm giữa xăng, dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước cho cả giai đoạn 2022-2025 tại Nghị quyết này là khó bảo đảm sát với tình thực tiễn, nhất là trong bối cảnh biến động như hiện nay. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như Dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các chế độ, chính sách do trung ương ban hành tăng thêm từ năm 2022 và giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW cho ngân sách địa phương từ năm 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội như sau: Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ cấp bách.

Hiện nay, nguồn lực khó khăn nên đã huy động cả nguồn cải cách tiền lương còn dư và lùi thời điểm thực hiện được việc cải cách tiền lương theo chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời Dự thảo Nghị quyết dự toán năm 2022 cũng quy định chỉ ban hành chính sách chi khi thực sự cần thiết và có nguồn đảm bảo đây cũng là quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cũng đã quy định rõ việc bố trí nguồn để thực hiện các chính sách tăng thêm từ năm 2022. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này vào Dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị khoản 9 Điều 3 quy định theo hướng: Giao Chính phủ “phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022) của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 31 tháng 3 năm 2022”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội như sau: Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công thì thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trên thuộc Quốc hội. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ chưa xây dựng được phương án phân bổ cụ thể; 02 chương trình Mục tiêu Quốc gia cũng chưa được phê duyệt nên không thể phân bổ được dự toán. Vì vậy, để bảo đảm kịp thời trong phân bổ nguồn vốn, đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định khi Chính phủ hoàn thành thủ tục, hồ sơ, căn cứ phân bổ dự toán cho 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Về kỹ thuật văn bản: Ngoài những nội dung chính nêu trên, một số đại biểu Quốc hội góp ý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu phù hợp, thể hiện trong Dự thảo Nghị quyết về phân bổ NSTW năm 2022 trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Với Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ NSTW năm 2022, Ủy ban Tài chính, Ngân sách trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về phân bổ NSTW năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO