Xuất hiện những điểm nắng nóng kỷ lục
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ cuối tháng 5 đến tháng 7/2020 ở Bắc Bộ, từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 8/2020 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Trong đó, cao điểm nắng nóng vào thời gian tới sẽ tập trung ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, cụ thể là khu vực từ Thanh Hóa vào đến Quảng Ngãi.
Với khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội, trong tháng 6 vẫn sẽ xuất hiện thêm các đợt nắng nóng, tuy vậy, cường độ nóng không gay gắt như miền Trung. Sang tháng 7, khi miền Bắc xuất hiện mưa nhiều hơn thì tình trạng nắng nóng ở Bắc Bộ sẽ giảm dần, trong khi ở miền Trung thì nóng kéo dài sang cả tháng 8.
Bắc Bộ trải qua nắng nóng nhất từ đầu năm với nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ C. Ảnh: Hoàng Minh |
Nhận định chung về tình hình nắng nóng tháng 6, TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đánh giá, năm nay, trong tháng 6 nắng nóng xảy ra nhiều hơn và diện rộng hơn so với tháng 5. Nắng nóng sẽ liên tục xảy ra trong cả tháng, ít có khả năng gián đoạn và nếu có gián đoạn cũng chỉ trong 1 - 2 ngày.
“Đây cũng là khoảng thời gian có thể xảy ra nắng nóng cực kì gay gắt ở các tỉnh Tây Bắc Bộ và các tỉnh vùng núi từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Chúng tôi nhận định vẫn có khả năng xuất hiện những điểm nắng nóng kỷ lục trong tháng 6 này" - TS. Hoàng Phúc Lâm cho hay.
Từ tháng 10/2020 khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN; các khu vực khác phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1,0 độ so với TBNN cùng thời kỳ. Tháng 11/2020, các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.
Chủ động đề phòng hiện tượng cực đoan
Thực tế, ở Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường, như mưa to kèm giông, lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, vào các thời điểm rất hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra.
Ở các tỉnh phía Nam cũng xuất hiện nhiều hiện tượng thiên tai bất thường, cá biệt, cuối tháng 4 vừa qua, một số khu vực tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra hiện tượng mưa đá. Mùa khô năm nay tại TP. Hồ Chí Minh cũng kéo dài quá lâu, tới sáu tháng, trong khi trung bình mọi năm chỉ kéo dài năm tháng. Mùa mưa đến trễ, cùng với việc lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Công rất ít khiến nhiều tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Điều này đã thể hiện tính chất phức tạp của thiên tai khí tượng thủy văn.
Theo TS. Hoàng Phúc Lâm, nguyên nhân của những biến động bất thường này là do tác động của biến đổi khí hậu, tính bất ổn định của các hệ thống hoàn lưu khí quyển diễn ra ở cả quy mô toàn cầu và khu vực. Chính điều này gây ra những hiện tượng thiên tai có diễn biến bất thường, không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão mà còn diễn ra quanh năm, cả trong những tháng được xem là hiếm có thiên tai như trước đây.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ ngày 10/6, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên các tỉnh Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 - 38 độ C; có nơi trên 38 độ C; khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34 - 37 độ C
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia liên tục cập nhật tình hình hạn hán theo bản tin 10 ngày một lần. Do vậy, người dân địa phương, cần có các biện pháp phòng chống hạn hán theo các kịch bản đã đưa ra, đồng thời có các phương pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
TS. Hoàng Phúc Lâm cũng khuyến cáo các cơ quan quản lý và phòng, chống thiên tai cần rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại các phương án phòng, chống thiên tai để có thể ứng phó kịp thời. Các cơ quan chức năng cần phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với các giải pháp phòng tránh.