Xã hội

Quảng Trị: Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

Văn Dinh (thực hiện) 05/06/2024 - 15:17

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM), qua đó giúp bộ mặt nông thôn khởi sắc hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng phát triển, góp phần vào công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan. Để rõ hơn về vấn đề này, Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị.

quangtri-1.jpg
Ông Hồ Xuân Hòe

PV: Xin ông cho biết những kết quả quan trọng đã đạt được sau nhiều năm triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh?

Ông Hồ Xuân Hòe: Tỉnh Quảng Trị xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng yếu nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn. Qua hơn 14 năm triển khai chương trình với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và hưởng ứng, chung tay góp sức của nhân dân đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, đã thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng NTM, từ chỗ trông chờ ỷ lại, xem đó nhiệm vụ của chính quyền địa phương thì nay người dân tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò chủ thể của mình thông qua việc chủ động, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, tham gia các hoạt động nhằm thực hiện các tiêu chí NTM; nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được phát hiện và nhân rộng.

Tỉnh đã dồn lực đầu tư cho NTM, riêng giai đoạn 2021-2025 mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ cho xây dựng NTM trên 70 tỷ đồng, từ đó huy động được nguồn lực rất lớn từ xã hội đầu tư cho NTM. Khu vực nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực, cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ theo tiêu chí NTM, diện mạo khu vực nông thôn từng bước được thay đổi sáng xanh sạch đẹp, an toàn; đời sống của người dân được cải thiện, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

quangtri-2.jpg
Diện mạo nông thôn ở Quảng Trị khởi sắc

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 1 huyện đạt chuẩn, có 69/101 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 68,3 %), 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỉnh đã chỉ đạo huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh hoàn thiện hồ sơ, đề nghị thẩm tra, thẩm định công nhận đạt chuẩn huyện NTM và huyện Cam Lộ đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

PV: Trong xây dựng NTM, tỉnh đã có những mô hình, cách làm nào hiệu quả để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo?

Ông Hồ Xuân Hòe: Mục tiêu cốt lõi, xuyên suốt của chương trình MTQG xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Do vậy, trong những năm qua, ngành NN&PTNT đã tập trung tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực của ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển dần tư duy sản xuất theo số lượng sang chất lượng, giá trị, trên cơ sở khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ số vào sản xuất, quản lý nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế nông thôn như Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Chương trình du lịch trong xây dựng NTM.

quangtri-3.jpg
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thành công đem lại thu nhập khá cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân Quảng Trị

Tại tỉnh, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thành công đem lại thu nhập khá cao, góp phần giảm nghèo cho người dân như: mô hình liên kết phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với trên 1.100 ha, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê đặc sản, chuỗi cà phê sinh thái với hơn 300 ha, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ với gần 170 ha; mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học theo hưỡng hữu cơ; các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình nhiều giai đoạn theo hướng công nghệ cao tại các vùng ven biển với khoảng 107 ha; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững với hơn 178 ha. Đến cuối năm 2023, tỉnh có 136 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 43 sản phẩm đạt 4 sao, 93 sản phẩm đạt 3 sao.

Nhờ vậy, đời sống của người dân đã được cải thiện rõ nét, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện các tiêu chí NTM tại địa phương. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã có 73/101 xã đạt tiêu chí thu nhập, 70 xã đạt tiêu chí nghèo đa chiều.

PV: Tiêu chí môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, để đạt hiệu quả cao, tỉnh có những cách làm sáng tạo nào?

Ông Hồ Xuân Hòe: Xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nên ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, các đơn vị, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi tư tưởng, thói quen, tập quán của nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống từ những việc làm nhỏ nhất.

quangtri-4.jpg
Quảng Trị đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường trong việc xây dựng NTM

Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở các xã đã có sự chuyển biến tích cực. Phong trào trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đời sống văn hoá được triển khai và duy trì tốt ở nhiều khu dân cư, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đã tự ý thức thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tỉnh cũng đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp.

Sở NN&PTNT cũng đã tích cực tham mưu huy động các nguồn lực để cùng với các địa phương đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung nhằm nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.

PV: Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, nâng cao chất lượng xây dựng NTM, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, tỉnh đã đề ra các định hướng và giải pháp cụ thể nào?

Ông Hồ Xuân Hòe: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, người dân nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác, phát huy nội lực, sáng tạo... trong xây dựng NTM. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh trong việc theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn; thực hiện có hiệu quả công tác đỡ đầu các địa phương xây dựng NTM.

quangtri-5.jpg
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị “mục sở thị” các mô hình phát triển kinh tế của người dân

Quan tâm, đẩy mạnh xây dựng NTM ở các xã miền núi, đặc biệt khó khăn. Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, đặc biệt là lồng ghép giữa các Chương trình MTQG, gắn với công tác đỡ đầu của các Sở, ban ngành, doanh nghiệp để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng NTM, thu hẹp khoảng cách vùng miền.

Mặt khác, khẩn trương tháo gỡ và triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp để triển khai các dự án liên kết theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Theo kết quả phê duyệt rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND tỉnh Quảng Trị, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 14.040 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,71 % và 9.927 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,45 % so với tổng số hộ dân cư. Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024 có 77/101 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO