Năm 2018, tỉnh Quảng Trị đã xảy ra nhiều loại hình thiên tai như áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, nắng nóng, ngập lụt, giông sét… thiệt hại do thiên tai gây ra khiến 2 người chết, 3 người bị thương, ước tổng giá trị thiệt hại hơn 122 tỷ đồng.
Cụ thể, Quảng Trị đã chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, 18 đợt không khí lạnh, trong đó có 2 đợt rét đậm, rét hại. Tổng đợt mưa lũ năm 2018 xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng kỳ, lượng mưa phổ biến từ 2.100 - 2.800 mm; đã xảy ra 2 đợt nắng nóng cục bộ, 2 đợt mưa đá và 1 vòi rồng…
Tập trung làm rõ những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục nhằm triển khai hiệu quả công tác PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 và các giai đoạn tiếp theo, một số đại biểu cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến về các loại hình thiên tai đối với người dân còn hạn chế; việc chuẩn bị nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” của một số địa phương chưa đảm bảo theo quy định; nhận thức của cộng đồng dân cư, đặc biệt vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số về biến đổi khí hậu, PCTT còn hạn chế; Tình trạng bồi lắng các cửa sông Cửa Tùng, Cửa Việt… ngày càng gia tăng và chưa được khơi thông dòng chảy ra biển. Các hồ chứa trên địa bàn có tuổi thọ đã khá lâu nhưng chưa được nâng cấp, gây mất an toàn trong mùa mưa bão...
Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, bố trí kinh phí để thực hiện nâng cấp một số vị trí đê điều xuống cấp; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các trạm bơm tiêu và các công trình cầu vượt qua suối, ngầm trên các trục đường giao thông của tỉnh; phê duyệt thực hiện các dự án khắc phục hậu quả thiên tai từ nguồn vốn Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh; đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN...
Năm 2019, công tác phòng PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”. Công tác PCTT được thực hiện theo 3 giai đoạn “phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả”, bám sát phương châm “4 tại chỗ”; Thực hiện liên tục, thường xuyên công tác tuyên truyền về thiên tai, các biện pháp cho từng loại hình, từng vùng. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác…
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Qua quá trình chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, tỉnh rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá. Tuy nhiên, theo nhận định năm 2019 tình hình khí hậu, thời tiết đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó đáng chú ý là có nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng, cường độ mạnh, nhiệt độ cao. Do vậy, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính. Đặc biệt, ngay từ bây giờ, cùng với củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng các kịch bản chống hạn, đảm bảo phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, bố trí vốn hỗ trợ khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do mưa lũ gây ra trong năm 2018 và hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng cứu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Dịp này, Ban Tổ chức đã phát động Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai và trao bằng khen của UBND tỉnh cho 3 tập thể và 5 cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác PCTT&TKCN năm 2018.