Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I hoạt động theo mô hình chuỗi khép kín, quy mô dự án lớn, gồm nhiều hạng mục công trình khác nhau nên tiến độ hoàn thành các công việc đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng dự án sẽ mất ít nhất khoảng 24 tháng.
Một số công việc như: Lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt về phương án phòng cháy chữa cháy cho thiết kế cơ sở phải xin ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan cũng cần tiến hành theo trình tự và thời gian dài.
Tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các ngành chức năng cùng nhà đầu tư hoàn thành thủ tục khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG tháng 12 tới. |
Tại buổi làm việc, nhà đầu tư cũng như các ngành chức năng đưa ra 2 phương án để khởi động dự án: Phương án 1, T&T có ý kiến UBND tỉnh xem xét thực hiện “Lễ khởi động” dự án.
Phương án 2: T&T kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ T&T hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để khởi công dự án “Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn I - Phần hạ tầng kỹ thuật”.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị nhà đầu tư cùng với tỉnh khắc phục những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện trên cơ sở đáp ứng các điều kiện, quy định của pháp luật. Thống nhất lựa chọn phương 2 để thực hiện dự án trên cơ sở góp ý của các ngành chức năng và nhà đầu tư.
UBND tinh cũng giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh làm cơ quan đầu mối, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ những vướng mắc, đốc thúc tiến độ thực hiện các phần việc liên quan và hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I - Phần Hạ tầng kỹ thuật trong tháng 12/2021.
Phối cảnh dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. |
Trước đó, tháng 10/2021, tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị-giai đoạn I (1.500 MW) cho Tổ hợp các nhà đầu tư, bao gồm: Tập đoàn T&T Group, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) và Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS). Tổng vốn đầu tư giai đoạn I dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD).
Đây là dự án quan trọng góp phần từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Trị thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.