Tại huyện Đakrông, do mưa lớn, nước sông dâng nhanh đã làm các điểm tràn trên các tuyến đường giao thông bị ngập sâu gây chia cắt, cô lập nhiều khu vực trên địa bàn huyện.
Cụ thể, tuyến đường 15D bị chia cắt tại tràn A Bung – A Ngo; tuyến đường ĐT.588A bị chia cắt 3 điểm tại xã Triệu Nguyên, 2 điểm tại xã Ba Lòng, 2 điểm tại xã Mò Ó. Đường vào trung tâm xã A Vao bị chia cắt tại cầu tràn Tà Rụt – A Vao; xã Ba Nang bị chia cắt tại các vị trí cầu Đá Đỏ, Ra Lây; đường nội thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, tràn qua khu tái định cư Húc Nghì, xã Húc Nghì, tràn qua thôn A Đeng xã A Ngo cũng bị ngập sâu.
Nhiều tuyến đường ở Quảng Trị bị sạt lở do mưa lớn |
Trên tuyến Quốc lộ 9 đoạn đi qua địa bàn huyện Đakrông có nhiều điểm sạt lở với khối lượng lớn, đặc biệt, điểm sạt lở Km50+150 gây tắc đường. Các tuyến đường Quốc lộ 15D, đường vào trung tâm xã Ba Nang bị sạt lở nhiều điểm với khối lượng lớn. Mố cầu tràn tuyến đường liên thôn Xi Pa – Tà Lao, xã Tà Long bị đứt gãy; tuyến đường giao thông thôn Ra Ró, xã A Vao bị sạt lở với khối lượng khoảng 200m3.
Còn ở huyện Hướng Hóa, trên tuyến đường Cu Vơ, xã Hướng Linh (ĐH.84) xuất hiện nhiều vị trí sạt lở mái taluy dương từ Km1+500 đến Km3+00, đất đá và cây cối tràn ra mặt đường với khối lượng lớn, gây tắc đường; tuyến đường Hướng Tân – Hướng Linh (ĐH.84B) nhiều vị trí bị sạt lở mái taluy dương từ Km1+200 đến Km3+500, trong đó có 3 vị trí sạt lở với khối lượng lớn gây tắc đường. Tuyến đường Hướng Phùng – Hướng Sơn (ĐH.83C) cống khe Ta Bang thuộc thôn Ra Ly, xã Hướng Sơn bị nước cuốn trôi.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở mái taluy gây tắc đường tại Km176 và Km16. Các điểm sạt lở ở Km252, 267,273; tại Km255 taluy âm bị sạt lở lấn sâu vào 1/2 mặt đường. Hiện tại trên đỉnh và sườn mái taluy của các vị trí đã bị sạt lở vẫn còn một lượng lớn đất đá và cây cối có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Đường ĐT586 sạt lở nhiều vị trí, tắc đường tại Km7+300. Tại xã Tân Lập, mố cầu bản Làng Vây bị xói lở hoàn toàn. Tại xã Hướng Tân, cầu tràn thôn Ruộng – Xa Rường bị xói tấm bê tông và sạt lở chân cầu.
Nhiều tuyến đường ở Quảng Trị bị sạt lở do mưa lớn |
Cơ quan chức năng đang huy động máy móc để xử lý những điểm thuận lợi, còn những điểm có nguy cơ tiếp tục sạt lở phải đợi đến khi hết mưa mới tổ chức thi công...
Mưa lớn gây thiệt hại nặng cho Quảng Trị
Mưa lớn kéo dài từ ngày 6/10 đến nay khiến lũ trên các sông ở Quảng Trị đều lên nhanh và đạt đỉnh phổ biến ở mức trên báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Riêng sông Hiếu vượt báo động 3 là 0,69m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983 là 0,11m.
Trong hai ngày qua đã xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, thiệt hại nặng nhất các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 13.800 hộ với trên 46.000 người bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức di dời trên 3.740 hộ với hơn 13.000 người đến các khu vực an toàn, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, vùng thấp trũng ở thành phố Đông Hà và các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị.
Ngập lụt đang diễn trên diện rộng ở Quảng Trị |
Tỉnh Quảng Trị đã có hai người chết do bị lũ cuốn trôi. Tỉnh cũng yêu cầu lực lượng chức năng, cử người trực gác tại các điểm cầu tràn, điểm ngập sâu, sạt lở, vị trí xung yếu, nguy hiểm cấm người và phương tiện qua lại. Trong hai ngày 9- 10/10, học sinh toàn tỉnh Quảng Trị tiếp tục nghỉ học do mưa lũ...
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhận định tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, nước ở các sông vẫn tiếp tục dâng cao, chỉ đạo các lực lượng lượng chức năng, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan lơ là, chủ động nắm tình hình để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm văn bản chỉ đạo của các cấp các ngành để ứng phó kịp thời. Tạm dừng các hoạt động không cần thiết để tập trung phòng chống mưa lũ.
“Phải kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân, đảm bảo súc khỏe cho người già, trẻ em và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phải đảm bảo thuốc men để phòng chống dịch bệnh, chăm lo sức khoẻ cũng như chia sẻ những mất mát với gia đình có người tử vong, mất tích. Sau mưa lũ phải đảm bảo ổn định đời sống của người dân”, ông Đồng nhấn mạnh.