Quảng Trị: Mục tiêu có thêm 2 huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ tới là hoàn toàn khả thi

Tiến Nhất| 06/12/2019 10:34

(TN&MT) - Đó là khẳng định của ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tại phiên thảo luận, chất vấn kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 ngày 5/12.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 – 2021

Theo ông Hà Sỹ Đồng, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 tỉnh đặt ra có thêm 1 - 2 địa phương về đích nông thôn mới (NTM) và đã chọn ra 2 huyện: Vĩnh Linh và Triệu Phong là hoàn toàn có cơ sở.

Chỉ ra những thuận lợi và khó khăn tại các địa phương này, ông Đồng cho biết: Vĩnh Linh hiện còn 2 xã miền núi (Vĩnh Ô, Vĩnh Khê) là những xã vùng cao, còn khó khăn, phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số… Tuy nhiên khi đã đăng ký về đích NTM, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để tập trung xây dựng, xóa đói giảm nghèo tại các xã này, ngoài nguồn lực từ chương trình NTM còn có chương trình giảm nghèo bền vững. Cơ sở hạ tầng tại những xã miền núi này đã được đầu tư cơ bản ổn định, cái khó nhất hiện tại đó là tiêu chí về việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây…

Vĩnh Ô là một trong những xã miền núi còn khó khăn thuộc huyện Vĩnh Linh

“Tại Kỳ họp thứ 8 , Quốc hội khóa 14 vừa rồi, Quốc hội đã thông qua Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở đó, từ năm 2020, địa phương sẽ lồng ghép chương trình này vào để đào tạo nghề, sinh kế cho người dân, chuyển đổi một phần diện tích đất rừng sản xuất sang cho người dân ổn định phát triển… tiến tới xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập” - ông Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Đối với huyện Triệu Phong, hiện còn các xã bãi ngang ven biển cũng đang trên đà phát triển, dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đầu tư tiến tới đạt chuẩn NTM.

Với những nhận định đó, ông Hà Sỹ Đồng khẳng định: Mục tiêu đưa Vĩnh Linh và Triệu Phong tiến đến xây dựng thành công huyện NTM trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là hoàn toàn có cơ sở.

Liên quan đến dịch bệnh tả lợn Châu phi, dịch lở mồm long móng gây ảnh hưởng nặng nề cho Quảng Trị trong những tháng vừa qua. Tính đến cuối tháng 8/2019, tỉnh này đã tiêu hủy hơn 26.000 con lợn, ước trọng lượng hơn 1 triệu kg, thiệt hại gần 44 tỷ đồng, tỉnh đã trích ngân sách hỗ trợ cho người dân hơn 13,4 tỷ đồng và đã có văn bản đề nghị trung ương hỗ trợ hơn 30,5 tỷ đồng và đang đôn đốc trung ương khẩn trương thực hiện.

“Dự kiến trong tháng 12 này khi được cấp kinh phí, UBND tỉnh sẽ chi trả kịp thời cho người dân bị thiệt hại, để tái sản xuất, kịp thời ổn định sau dịch bệnh…” - ông Hà Sỹ Đồng thông tin.

Dịch tả lợn Châu phi, dịch lở mồm long móng đã gây ảnh hưởng nặng nề cho Quảng Trị trong những tháng vừa qua

Cũng tại phiên chất vấn lần này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị còn giải trình các vấn đề liên quan về phát triển lâm nghiệp bền vững tại địa phương, hoạt động của các nhà máy dăm gỗ và chiến lược phát triển của tỉnh, việc cấp đất, giải phóng mặt bằng cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu trên địa bàn, tình hình hoạt động của các công ty Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ…

Bên cạnh đó, phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến tâm huyết, vừa khẳng định những kết quả đạt được, vừa phân tích, bình luận các vấn đề còn tồn tại, luận giải các căn cứ để xác định chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2020, đặc biệt là căn cứ để xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5%, thu ngân sách nhà nước đạt từ 3.300 - 3.400 tỷ đồng hoàn toàn có thể đạt được.

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp có tính căn cơ để hoàn thành các mục tiêu của năm 2020, đó là phải giao chỉ tiêu, giao việc bằng cam kết cho các sở, ban ngành, địa phương nhưng phải gắn với kết quả cuối cùng; tập trung xử lý những điểm nghẽn đã được chỉ ra nhưng chưa khắc phục được; khuyến khích thu hút đầu tư ở cấp huyện; để tạo đà bứt phá cho giai đoạn tiếp theo cần cần ưu tiên để tăng cường sức khỏe của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Mục tiêu có thêm 2 huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ tới là hoàn toàn khả thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO