Tại huyện Đakrông, lượng mưa đo được tại xã Ba Lòng lên đến 185 mm, khiến nước sông dâng cao, gây chia cắt nhiều tuyến đường nội thôn, đường vào trung tâm xã. Mưa lớn cũng làm chia cắt 2 điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh tại km 265 và km 273 với mực nước ngập khoảng 0,5 - 1 m, riêng tại km 283+220 nhiều đất đá bị sạt lở gây ách tắc giao thông; tuyến đường 588a bị chia cắt tại ngầm tràn Ba Lòng do ngập sâu 3 m, đoạn Khe Tà Lang, đoạn km 7 địa phận xã Mò Ó; tuyến Quốc lộ 15D bị chia cắt tại cầu tràn A Ngo – A Bung, ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, A Rồng Trên, A Đeng (xã A Ngo); ngầm tràn Ly Tôn (xã Tà Long), La Tó (xã Húc Nghì), cầu Chân Rò (xã Đakrông), cầu tràn Đá Đỏ (xã Ba Nang) bị ngập từ 0,5 - 2,5 m. Mực nước tại các nhà máy thủy điện trên sông Đakrông đã vượt ngưỡng từ 2 - 6 m.
Hiện, các xã Ba Lòng, Ba Nang, A Vao bị chia cắt. Để đảm bảo an toàn, ngay trong tối 14/10, huyện Đakrông đã di dời 122 hộ/449 khẩu ở vùng có nguy cơ ngập lụt đến nơi tránh trú an toàn.
Tại huyện Hướng Hóa, mưa lớn kéo dài cũng khiến một số tuyến đường bị ngập gây chia cắt tạm thời, như: Ngầm tràn Bản 2, Bản 3, Bản Giai, Úp Ly 2, Bản 1 Cũ (xã Thuận); cầu tràn Xa Doan (xã A Dơi); cầu tràn thôn Thanh 1, Bản 10 (xã Thanh); tràn thôn A Xóc-Lìa (xã Lìa); cầu tràn thôn Ván-Ry, Tà Rùng, Húc Thượng (xã Húc); ngầm tràn thôn Cha Lỳ (xã Hướng Lập), cầu tràn thôn Loa (xã Ba Tầng), với mực nước ngập khoảng gần 1 - 1,5 m.
Toàn huyện Hướng Hóa hiện đã di dời 105 hộ/404 khẩu ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; các lực lượng chức năng túc trực tại các điểm cầu, ngầm tràn bị ngập không cho người dân qua lại để đảm bảo an toàn.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 126 đập, hồ chứa thủy lợi. Đến thời điểm hiện tại, tổng dung tích các Hồ chứa thủy lợi trọng điểm đạt trung bình khoảng 57,5% so với dung tích thiết kế. Mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập và đê điều trước mùa mưa lũ năm 2022, đến thời điểm hiện nay các địa phương, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình nhằm phát hiện và khắc phục, sửa chữa, tu bổ kịp thời các hư hỏng. Đồng thời xây dựng, rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đối với các hồ, đập; phương án hộ đê tại các khu vực xung yếu đối với các tuyến đê, kè để chủ động trong công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.