Quảng Trị: Mối nguy hại từ những kho "thuốc độc"

09/12/2014 00:00

(TN&MT) - Ông Nguyễn Thanh Lợi - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị thông tin: 52 điểm ô nhiễm thuốc BVTV vừa báo cáo lên Tổng cục Môi trường phần đa đều nằm...

   
(TN&MT) - Hàng loạt kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn tại từ thời bao cấp nằm ngay trong khu vực dân cư, khuôn viên trường mẫu giáo, tiểu học… đã khiến nhiều vùng đất đai bị nhiễm độc. Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị, hiện có 52 điểm (không bao gồm 5 điểm thuốc BVTV cũ) bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng bởi thuốc BVTV. Nhiều nơi, các chỉ tiêu chất độc đều vượt chuẩn hàng ngàn lần, cá biệt có nơi lên đến hàng triệu với những tên thuốc đọc lên nhiều người đã rùng mình như DDT, 666…
   
Kho thuốc phía sau nhà ông Trần Toàn (64 tuổi) ở thôn Gia Độ (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) hiện nay vẫn còn ô nhiễm.
    
   
"Thuốc độc" tồn tại ngay khu dân cư
   
  Ông Nguyễn Thanh Lợi - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị thông tin: 52 điểm ô nhiễm thuốc BVTV vừa mới được báo cáo lên Tổng cục Môi trường phần đa đều nằm trong khu vực dân cư. Các loại thuốc như DDT, 666, Basudin, Wonfatox còn tồn dư với mức độ ô nhiễm cực kỳ cao.
   
  Hiện tại Quảng Trị, những điểm bị ô nhiễm nặng đều thuộc các kho thuốc BVTV của các HTX cũ. Trong đó, nhiều huyện có số lượng kho thuốc gây ô nhiễm tập trung như: Triệu Phong (14 điểm), Vĩnh Linh (13 điểm), Hải Lăng (9 điểm)… Đặc biệt nguy hiểm khi mức độ ô nhiễm DDT và 666 còn rất cao, như tại kho thuốc BVTV của HTX sản xuất nông nghiệp Quyết Tiến (thôn Quy Thiện, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng), có thời gian ô nhiễm từ năm 2002 đến nay. Chỉ tiêu 666 vượt quy chuẩn đến 1.373,2 lần; chỉ tiêu DDT vượt đến 2.168.024,4 lần.
   
  Có những kho thuốc gây ô nhiễm trong một thời gian dài hàng thập kỷ, tồn tại ngay trong khu vực đông dân cư như kho thuốc BVTV tại vườn nhà ông Đoàn Thanh Tuấn (khu vực 6, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong) có thời gian tồn tại, gây ô nhiễm từ năm 1974 đến nay. Hay như kho thuốc tại vườn nhà của bà Lại Thị Huệ (khóm 11, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh)… Những kho thuốc dù qua bể dâu, mưa nắng, nhưng khi được kiểm tra mới đây, hiện trạng khu vực ô nhiễm DDT và 666 vẫn vượt chỉ tiêu nhiều lần, cấp thiết xử lý.
   
  Nguy hại hơn, tại một số trường học vẫn đang còn hiện diện sự ô nhiễm thuốc BVTV trước đây. Đơn cử như tại trường Tiểu học Kim Đồng, thôn Thiết Tràng, phường 4, TP. Đông Hà, có thời gian ô nhiễm từ năm 1977 đến nay, với chỉ tiêu 666 vượt quy chuẩn cho phép lên đến 26.520 lần; kho thuốc trong khuôn viên Trường Tiểu học số 2 xã Triệu Long, thời gian ô nhiễm từ 1997 đến nay với chỉ tiêu DDT vượt quy chuẩn 5.927,9 lần. Nhưng hằng ngày, các em học sinh và thầy cô giáo vẫn phải sinh hoạt, học tập trong môi trường độc hại này.
   
Giếng nước mà gia đình ông Trần Toàn sử dụng chỉ cách kho thuốc chưa đầy 10 mét.
    
   
  Được biết, các hợp chất có trong thuốc BVTV như 666, DDT… đều có tính bền vững cao và khó phân hủy. Trong một số điều kiện, các chất này bị phân hủy ngoài tự nhiên còn tạo ra một số hợp chất còn độc hại hơn. Các loại thuốc BVTV như 666, DDT từng một thời được sản xuất hàng loạt để phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung, do giá thành rẻ và hiệu quả cao. Nhưng hiện nay, đã bị cấm sử dụng bởi những tác động gây ra cho sức khỏe của con người và môi trường sinh thái.
   
  "Những điểm gây ô nhiễm bởi thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng một cách âm thầm đến cuộc sống của người dân, bởi những hợp chất có trong các loại thuốc BVTV nguy hại sẽ ngấm vào trong đất, gây ô nhiễm nguồn nước. Nếu khu vực đó phát triển sản xuất sẽ ảnh hưởng vào cây cối. Việc tác động của ô nhiễm thuốc BVTV không phải thể hiện qua ngày một ngày hai mà qua một thời gian nhất định, cũng giống như đioxin vậy"- ông Nguyễn Thanh Lợi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay.
   
Hậu quả từ từ và lâu dài
   
  Tìm về ngôi nhà của ông Trần Toàn (64 tuổi) ở thôn Gia Độ (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong). Ngôi nhà nằm ngay kề kho thuốc BVTV của Hợp tác xã Bắc Độ (xã Triệu Độ) trước đây. Ông Toàn cho hay, kho thuốc phía sau nhà mình vốn được xây dựng để cất giữ các loại thuốc BVTV phục vụ cho hoạt động của HTX. Trước đây, bản thân ông Toàn cũng như người nhà không ý thức được sự nguy hại từ kho thuốc mang lại.
   
  Là cán bộ kỹ thuật sâu bệnh của Hợp tác xã từ năm 1977 đến năm 1979. Cả một thời gian dài tôi đã cân, đo, đong, đếm, ngửi, tiếp xúc với đủ các loại thuốc BVTV nổi danh là đặc hiệu thời đó như DDT, 666, falizan, Basudin, Metafot… Có nhiều lần, thuốc đóng cục, tôi đã dùng tay để khuấy và chà cho thuốc mịn ra để dễ dàng hòa tan trong nước. Trong khi khẩu trang, găng tay lúc đó đều là đồ xa xỉ, chẳng ai có cả, ông Toàn nhớ lại.
   
  Tiếp xúc lâu dài với thuốc hóa học và chịu ảnh hưởng từ kho thuốc sau vườn nhà, theo ông Toàn chính là nguyên nhân khiến ông bị bệnh viêm tắc động mạch, tay bị co quắp, chân phải cưa cụt sau 5 năm chạy chữa khắp nơi mà không công hiệu. Con trai cuối của ông Toàn là anh Trần Phước An, sinh năm 1990 vừa chào đời cũng bị dị tật ở chân, sinh hoạt gặp không ít khó khăn.
   
Địa điểm kho thuốc phía sau Trường Tiểu học số 2 Triệu Long vẫn còn ô nhiễm nặng.
    
   
  Căn nhà của chị Văn Thị Mỹ Nhung, thôn Quyết Tiến (xã Hải Quy, huyện Hải Lăng) vừa xây dựng xong, nằm ngay bên kho thuốc cũ của HTX Quyết Tiến. Chị Nhung lo lắng cho biết, vừa rồi có đoàn về kiểm tra tôi mới tá hỏa vì nhà mình nằm ngay bên kho thuốc BVTV với lượng thuốc còn tồn dư cao. Nếu biết trước, chắc tôi chẳng dám xây nhà ở đây.
  Theo ông Lê Thanh Duyên- Chủ nhiệm HTX Quyết Tiến thì kho thuốc của HTX được xây từ những năm 1977 và bị phá bỏ vào năm 2003. Trong quá trình làm kho chứa thuốc BVTV như 666, DDT, Wonfatox… một lượng thuốc nhất định đã bị rơi vãi và ngấm vào đất.
   
  Được biết, tại kho thuốc tại HTX Quyết Tiến, chỉ tiêu 666 vượt chuẩn lên đến 1.373,2 lần; chỉ tiêu DDT vượt chuẩn 2.168.024,6 lần. Kho thuốc này tồn tại ngay giữa khu vực dân cư, trong khi nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân đều phụ thuộc vào nước giếng khơi.
   
  Trong khuôn viên Trường Tiểu học số 2 Triệu Long cũng tồn tại một kho thuốc bảo vệ thực vật cũ. Theo thầy giáo Nguyễn Dũng- Phó Hiệu trưởng thì kho thuốc đó chứa nhiều thuốc BVTV và cả phân bón. Khoảng năm 1999, trường Tiểu học được xây dựng, kho thuốc bị đập bỏ. Nay địa điểm kho thuốc nằm phía sau trường và cách phòng học của các em học sinh khoảng 10 mét. "Khoảng 10 năm trước đây, khi tháng  3, tháng 4 mùa hè, trời nắng và mưa rào thì mùi thuốc sâu hôi rất đanh. Phòng làm việc của thầy gần ngay kho thuốc nên cảm nhận rõ. Thời gian gần đây, những biểu hiện ô nhiễm không còn nhận biết bằng cảm quan được nữa…"- thầy Dũng thông tin.
   
  Ông Nguyễn Chiến, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Bắc Long (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong) kể: Trước đây kho chứa rất nhiều loại thuốc như Ofatoc, Metefot, Bassa, 666, DDT… Cho đến khoảng năm 1996 ở kho không trữ thuốc nữa.
   
Hiện tại nhiều kho thuốc vẫn còn thuốc trừ sâu 666 nguyên trạng (trong ảnh: 15kg thuốc Falizan
tại trụ sở cũ của HTX Duy Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong).
    
   
  Nhận định về tình hình các điểm thuốc BVTV cũ đang là ẩn họa với môi trường sinh thái và cuộc sống của con người, ông Nguyễn Thanh Lợi- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị nói: Năm 2013, Sở cũng đã tiến hành lập đề án điều tra toàn bộ các điểm ô nhiễm thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã có 52 điểm ô nhiễm mức độ lớn được báo cáo lên Tổng cục Môi trường để đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, nhằm đảm bảo đời sống dân sinh.
   
  Ngày 17/11, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản đề nghị UBND các địa phương nơi có các kho thuốc BVTV ô nhiễm thực hiện các biện pháp triển khai di dời, lập phương án tái định cư cho các hộ dân; tổ chức cắm biển cảnh báo, không quy hoạch xây dựng nhà cửa, công trình, khoan, đào giếng nước, hạn chế dùng nước ngầm… trong và khu vực lân cận ô nhiễm.
   
Bài và ảnh: Hải Tân – Quỳnh Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Mối nguy hại từ những kho "thuốc độc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO