Quảng Trị: Kiểm tra quy trình xử lý nước thải tại DA Cụm liên hợp Dệt – Nhuộm – May Hải Lăng

06/09/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 6/9, đoàn công tác tỉnh Quảng Trị do ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra tình hình hoạt động Dự án Cụm liên hợp Dệt...

 

 

(TN&MT) - Ngày 6/9, đoàn công tác tỉnh Quảng Trị do ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra tình hình hoạt động Dự án Cụm liên hợp Dệt – Nhuộm – May Hải Lăng.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình hoạt động, hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy dệt nhuộm Hải Lăng
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình hoạt động, hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy dệt nhuộm Hải Lăng

Dự  án Cụm liên hợp Dệt – Nhuộm – May Hải Lăng do Công ty TNHH MTV Vinatex Quốc tế Toms làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, trên diện tích 28.000 m2 tại Cụm công nghiệp Diên Sanh (Hải Lăng), với công suất 10 triệu sản phẩm may/năm, tổng công nhân làm việc tại nhà máy là 500 người. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 1/2016 và hoàn thành vào tháng 12/2016.

Tuy nhiên, do hiện nay Cụm Công nghiệp Diên Sanh hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên nguồn tiếp nhận nước thải của dự án nay là hồ Khe Chè và kênh tiêu nội đồng xã Hải Thọ.

Người dân thị trấn Hải Lăng và xã Hải Thọ (huyện Hải Lăng) không đồng tình với việc Công ty xả thải ra hai địa điểm này vì đó là nguồn cung cấp nước cho hoạt động tưới tiêu nông nghiệp và điều hòa khí hậu, môi trường vùng trung tâm thị trấn Hải Lăng.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình hoạt động, hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy dệt nhuộm Hải Lăng
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình hoạt động, hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy dệt nhuộm Hải Lăng

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của dự án, Công ty TNHH MTV Vinatex Quốc tế Toms đã đầu tư hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Nhà máy đã đầu tư phương án về công trình bảo vệ môi trường với tổng kinh phí 25 tỷ đồng bao gồm: Hệ thống xử lý nước thải công suất 1.200 m3 ngày/đêm; Xây dựng tuyến ống dẫn nước thải sau khi xử lý ra nguồn tiếp nhận Hồ Khe chè và kênh tiêu nội đồng xã Hải Thọ dài 4,5 km; Lắp đặt thiết bị quan trắc tự động; Xây dựng hồ điều hòa thể tích 7.000 m3… và một số hạng mục phụ trợ khác nhằm phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải để đạt chất lượng nước thải cột A QCVN 13:2015/BTNMT.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị và các Sở, ngành, địa phương liên quan đại diện phía Công ty cam kết rằng trong quá trình hoạt động nếu có bất kỳ sự cố nào về môi trường xuất phát từ hoạt động Dệt – Nhuộm – May của nhà máy, Công ty sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Đoàn kiểm tra tại hệ thống hồ điều hóa chứa nước thải được xử lý trước khi xả ra môi trường của nhà máy
Đoàn kiểm tra tại hệ thống hồ điều hóa chứa nước thải được xử lý trước khi xả ra môi trường của nhà máy

Phát biểu sau chuyến kiểm tra thực tế về quy trình vận hành của hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng: Đây là dự án đầu tư lớn trên địa bàn huyện Hải Lăng, giải quyết công ăn việc làm, sản xuất các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đóng góp cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, phía nhà máy đã vi phạm lỗi xả thải khi chưa được phép gây mất niềm tin của nhân dân, vì thế UBND tỉnh phê bình và yêu cầu phía nhà máy kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Để khắc phục sự cố đã xảy ra cũng như đảm bảo tình hình hoạt động ổn định vừa mang lại lợi ích kinh tế nhưng đảm bảo hài hòa trong bảo vệ môi trường, UBND tỉnh yêu cầu huyện Hải Lăng phối hợp cùng nhà máy tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích về hoạt động của nhà máy trong quá trình thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đặc biệt cần công khai, minh bạch thông tin về hệ thống xử lý chất thải mà nhà máy đã đầu tư xây dựng, chất lượng nước thải đã qua xử lý để người dân nắm bắt, hiểu rõ.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện sự giám sát hoạt động xả thải của nhà máy, các kết quả quan trắc tự động chất lượng nước thải phải được chia sẻ liên tục đến người dân. UBND huyện Hải Lăng chủ trì kết nối định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý để các trưởng đại diện hội, đoàn thể cơ sở, đại diện nhân dân tham quan, giám sát cộng đồng việc xử lý nước thải của nhà máy nhằm xây dựng niềm tin với nhân dân.

Đoàn kiểm tra khu vực xả thải ra môi trường của nhà máy
Đoàn kiểm tra khu vực xả thải ra môi trường của nhà máy

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị cần ban hành bộ tài liệu hướng dẫn về quy trình xử lý chất thải của nhà máy. Ngoài ra, nếu cần thiết có thể trực tiếp đối thoại, giải thích những vấn đề mà người dân còn thắc mắc, băn khoăn, chưa hiểu rõ về quy trình xử lý, chất lượng nước thải. Về vị trí xả thải không hợp lý ở nội đồng xã Hải Thọ gây ngập úng, ảnh hưởng sản xuất lúa của địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với doanh nghiệp điều chỉnh vị trí xả thải lên đúng địa điểm kênh tiêu úng, không xả trực tiếp ra nội đồng như hiện nay.

Một vấn đề đáng quan tâm mà phía chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần nắm bắt, đó là vận động nhân dân tiếp cận các nguồn thông tin chính thống, định hướng dư luận về hoạt động sản xuất của nhà máy, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Tiến Nhất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Kiểm tra quy trình xử lý nước thải tại DA Cụm liên hợp Dệt – Nhuộm – May Hải Lăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO