Phát biểu tại hội thảo, ông Phùng Mạnh Ngọc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực cho biết, tại Quảng Trị, theo dự báo, tỉnh có công suất tiềm năng về năng lượng tới hơn 14.000MW. Trong đó, những lĩnh vực tiềm năng nhất là điện khí, điện gió, điện mặt trời.
Quảng Trị còn nhiều dư địa để phát triển năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng. Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, trên cơ sở phát triển năng lượng một cách bền vững, tận dụng và sử dụng hiệu quả các tiềm năng năng lượng tái tạo đồng thời phù hợp định hướng quy hoạch điện VIII.
Thông tin tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh Quảng Trị hiện có 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714MW, đã đưa vào vận hành thương mại 671,1MW; 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW cũng đã đưa vào vận hành thương mại. Tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5MW (chưa bao gồm khoảng 100MW hệ thống điện mặt trời mái nhà)...
Từ những tiềm năng và kết quả bước đầu, công nghiệp năng lượng được tỉnh xác định là lĩnh vực đột phá phát triển, hướng ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, hướng Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500MW giai đoạn đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27/4/2021 của Tỉnh uỷ Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, đại diện các tổng công ty, các nhà đầu tư chia sẻ thông tin, giải pháp hữu ích qua các tham luận với nội dung: “Hiện thực hóa trung tâm năng lượng miền Trung: Động lực phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Trị”; “Thủ phủ điện gió phía Tây Quảng Trị: Phát huy tiềm năng đặc trưng”; “ Phát triển năng lượng - Một số gợi mở cho Quảng Trị”; “Giải bài toán truyền tải: Cần chủ động đi tắt, đón đầu”...
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), Quảng Trị đang hiện thực hóa để trở thành trung tâm năng lượng của cả nước và khu vực, lật ngược tình thế biến những bất lợi thành yếu tố có lợi để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Hiện, Quảng Trị đã chọn lựa chọn xu thế thời đại, phù hợp xu hướng quốc gia và quốc tế về phát triển năng lượng. Quảng Trị cần coi những cam kết của COP 26 là cơ hội phát triển năng lượng của mình và có chiến lược phát triển dài hạn, chứ không phải một vài dự án để phát triển kinh tế.
Trong đó, phát triển năng lượng gió là giải pháp hàng đầu, sau đó đến thời đại năng lượng hydro xanh, điện khí. Theo nghiên cứu, Quảng Trị về mặt nguyên tắc đang có những lợi thế, tiềm năng rất lớn phát triển năng lượng gió, mặt trời, năng lượng khí.
Kết luận hội thảo, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng: Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung là hoàn toàn có cơ sở từ khoa học, thực tiễn, tiềm năng và quyết tâm chính trị và là hướng đi đúng, trúng, tạo ra bước đột phá quan trọng trong thời gian đến.
“Với kết quả bước đầu đã đạt được, đặc biệt trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Quảng Trị vẫn duy trì đà tăng trưởng, phát triển điện năng, đạt công suất 714MW, có 671MW vận hành thương mại, là những cơ sở chắc chắn để khẳng định Quảng Trị xây dựng thành công trung tâm năng lượng. Trung tâm năng lượng miền Trung không chỉ là một chủ trương phát triển kinh tế xã hội thuần túy mà còn là một phần hoài bão, ước mơ cháy bỏng của đất và người Quảng Trị” - ông Võ Văn Hưng nói.