Quảng Trị: Đồng bào dân tộc trồng mây để bảo vệ rừng

Anh Phương| 17/07/2015 09:34

(TN&MT) - Mây là một trong những lâm sản ngoài gỗ được đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi của Quảng Trị áp dụng trồng và đã mang lại hiệu quả cao, giúp ổn định cuộc sống cho người dân và bảo vệ rừng một cách bền vững.

Gần 10 năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị vừa triển khai khoán rừng cho người dân bảo vệ, chăm sóc, vừa tổ chức, hướng dẫn cho người dân sản xuất dưới tán rừng bằng các loài cây phù hợp như mây, các cây dược liệu... giúp người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống và bảo vệ rừng.

may-nep.jpg

Hướng dẫn kỹ thuật trng mây nếp cho người dân

Thôn Hà Vụng, xã Ba Lòng và bản Cọp, xã Húc Nghì, huyện Đakrông được Chi cục Kiểm lâm tỉnh chọn triển khai dự án trồng mây dưới tán rừng với tổng cộng 13 hộ tham gia trồng 21 ha mây, trong đó thôn Hà Vụng có 5 hộ trồng 5 ha và thôn Cợp có 8 hộ trồng 16 ha. Dự án trồng mây được triển khai khá bài bản từ việc cho người dân tham quan mô hình học tập kinh nghiệm ở tỉnh bạn đến hướng dẫn kỹ thuật canh tác mây như ươm giống, làm đất, trồng, chăm sóc... Giống mây được trồng là mây nếp.

Đối với đồng bào dân tộc, hình thức cầm tay chỉ việc là biện pháp tốt nhất để người dân hiểu được cách trồng cây mây như thế nào nên cán bộ kiểm lâm đã phối hợp với cán bộ nông nghiệp huyện Đakrông bám sát địa bàn hướng dẫn tận tình cho nguời dân. Đồng bào càng hăng hái tham gia khi có dự án hỗ trợ phân bón, cây giống, dụng cụ sản xuất.

Nhờ canh tác dưới tán rừng là vùng có điều kiện sống phù hợp với cây mây nên chỉ sau khi trồng một thời gian ngắn, mây phát triển nhanh, ít tốn công chăm sóc và chi phí đầu tư thấp, khoảng 0,7 triệu đồng/ha (chỉ đầu tư vào lúc trồng). Sau 4 năm, cây mây bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay trên thị trường, sản phẩm mây bán được giá và lượng tiêu thụ tương đối nhiều nên bình quân 1 ha mây cho thu nhập 13-16 triệu đồng/năm.

may-nep1.jpg

Trái mây rng cho giá trị kinh tế cao

Đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với đồng bào dân tộc bởi trồng mây ít rủi ro hơn nhiều so với trồng lúa rẫy. Không những thế, cây mây còn tạo nhiều tầng tán trong rừng tạo nên quần thể cây sống cùng nhau hỗ trợ nhau phát triển, nâng cao độ che phủ rừng.

Từ hiệu quả của dự án trồng mây dưới tán rừng năm 2008, đến năm 2012 cho thu hoạch, nhiều hộ đồng bào dân tộc tại các thôn có dự án và các thôn không có dự án ở trong xã và các xã Huớng Hiệp, Ba Nang, A Ngo... cũng nhân rộng mô hình trồng mây. Đến nay, bản Cọp đã có 51 hộ dân tham gia trồng được 66 ha mây đang phát triển xanh tốt. Nơi đây đã không còn cảnh phá rừng làm rẫy, khai thác rừng bừa bãi.

Mô hình trồng mây dưới tán rừng đã mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn thu nhập từ mây không chỉ giúp người dân nâng cao đời sống mà còn làm thay đổi cơ bản nhận thức của họ về trách nhiệm phải giữ rừng, sống dựa vào rừng mới phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Đồng bào dân tộc trồng mây để bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO