(TN&MT) - Chủ đề của “Ngày Đại dương thế giới” năm 2018 được chọn là “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển”. Trong dịp này, Bộ TN&MT cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng“Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” và “Tháng hành động vì môi trường” nhằm kêu gọi tất cả chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ đại dương, xử lý ô nhiễm rác thải nói chung, đặc biệt xử lý ô nhiễm rác thải nhựa trên biển vì một đại dương xanh - sạch - đẹp.
Để tổ chức tốt các hoạt động trên, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và các hoạt động hưởng ứng Ngày Đại Dương Thế giới năm 2018, sẽ phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam để phát sóng trực tiếp Lễ phát động và các hoạt động hưởng ứng tại các điểm cầu Trường Sa, Quảng Ninh, Bạc Liêu và Quảng Trị.
Nhân sự kiện quan trọng này, Báo điện tử TN&MT đã có cuộc phỏng vấn với ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị:
PV: Ông đánh giá gì về sự lan toả của Tuần lễ biển và Hải đảo Việt Nam và mong muốn gì từ Bộ TN&MT thông qua sự kiện quan trọng này trong năm 2018?
Ông Hà Sỹ Đồng: “Tuần Lễ biển và Hải đảo Việt Nam” cũng như “Tháng hành động vì môi trường” đã được Bộ TN&MT tổ chức hàng năm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân cả nước. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, việc tổ chức truyền hình trực tiếp với nhiều điểm cầu tại các địa phương sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về công tác quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Được lựa chọn là một trong những điểm cầu truyền hình trực tiếp sự kiện, Quảng Trị vinh dự và cũng xác định trách nhiệm của địa phương. Trong dịp này, tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để hưởng ứng “Tuần Lễ biển và Hải đảo Việt Nam” cũng như “Tháng hành động vì môi trường” theo Kế hoạch số 1883/KH-UBND ngày 11/5/2018 của UBND tỉnh:
Các Sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức mít tinh, ra quân làm sạch môi trường, vệ sinh và khơi thông cống rãnh các khu dân cư đông đúc, các khu đô thị; phát quang đường làng ngõ xóm; Huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, các đơn vị vũ trang ra quân làm sạch môi trường các bãi tắm…
Sở NN&PTNT tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần lễ Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Sở Y tế tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, phát hiện và ngăn chặn các nguồn có nguy cơ gây dịch bệnh mùa hè…
Các cơ quan truyền thông địa phương tích cực xây dựng phóng sự và đưa tin tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường, hưởng ứng “Tuần Lễ biển và Hải đảo Việt Nam” cũng như “Tháng hành động vì môi trường” .
Qua sự kiện này, Quảng Trị mong muốn Bộ TN&MT cùng các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trong tâm về chủ quyền biển đảo quốc gia: Tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc; khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và pháp luật về biển, đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữa phát triển các vùng biển, ven biển và hải đảo với phát triển các vùng đồng bằng, đô thị.
Nhà nước cần có chính sách đặc biệt để khuyến khích, hỗ trợ nhân dân định cư lâu dài trên đảo, ngư dân đánh bắt xa bờ, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PV: Là một trong những tỉnh miền Trung giáp biển, trong công tác quản lý biển đảo ở địa phương thời gian qua, Quảng Trị có thuận lợi, khó khăn gì? Giải pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài?
Ông Hà Sỹ Đồng: Là một tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, với chiều dài bờ biển khoảng 75km và đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị cũng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch, đánh bắt hải sản, giao thông đường biển… song cũng gặp những khó khăn, thách thức như xói lở bờ, ô nhiễm môi trường các bãi tắm và các sự cố thiên tai và môi trường biển…
Trong thời gian qua, công tác quản lý TN&MT biển, đảo ở địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số kết quả nổi bật:
Đã kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về biển, hải đảo và ban hành các chính sách về quản lý biển, đảo trên địa bàn:
+ Thành lập Chi cục Biển, Hải đảo và Khí tượng thủy văn trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
+ Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (QĐ: 177/QĐ-UBND ngày 24/01/2014);
+ Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh (QĐ:08/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015);
+ Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh;
Đã hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh tại Quyết định số 572/QĐ-UBND ngày 29/3/2012:
+ Quan trắc và công bố trên các phương tiện thông tin chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh đã được triển khai hàng năm, bao gồm: chất lượng không khí, nước mặt, nước ngầm, nước biển ven bờ, môi trường đất, ĐDSH và quan trắc tai biến, sự cố môi trường.
+ Đã “Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường vùng biển, ven bờ và hải đảo tỉnh Quảng Trị” nhằm tạo hệ thống quản lý và sử dụng thông tin về tài nguyên, môi trường biển một cách đồng bộ và có hiệu quả hơn. Phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh Quảng Trị, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh nhằm khai thác, sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên và môi trường vùng bờ tỉnh.
Nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển và ven biển tỉnh Quảng Trị được chú trọng như sau:
Tăng cường kiểm soát, xử lý những cơ sở gây ô nhiễm môi trường ven biển; Thực hiện các đề án, dự án về bảo vệ môi trường, xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, bản đồ nhạy cảm đường bờ tỉnh Quảng Trị; khắc phục môi trường sau sự cố Formosa; thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối với hoạt động sản xuất vùng ven biển, trong đó chú trọng vào hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản; Triển khai khảo sát, thẩm định và thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của các hoạt động công nghiệp ven biển.
Quảng Trị đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Đông Nam, chúng ta đang phát triển Tuyến du lịch Cửa Việt – Cồn Cỏ và kêu gọi nhiều nhà đầu tư để phát triển Khu du lịch Cửa Việt – Cửa Tùng. Những lợi ích về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa xã hội đã thấy rõ nhưng bên cạnh đó là lo ngại, thách thức về quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng cần phải hết sức quan tâm. Quảng Trị có rất nhiều khó khăn và thách thức trước mắt cũng như lâu dài:
Về kinh tế: Quảng Trị là tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, hàng năm gần 2/3 chi ngân sách địa phương được hỗ trợ từ Trung ương, vì vậy rất khó khăn tìm nguồn đầu tư đê kè, đường sá, luồng lạch các cửa sông, hải đảo...
Về nhận thức: Nhận thức về tiềm năng, lợi thế của kinh tế biển, đảo cũng như việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên môi trường biển của chính quyền và nhân dân chưa thật đầy đủ. Một số địa phương còn buông lõng công tác quản lý tài nguyên, tình trạng nuôi tôm tự phát, chặt phá rừng phòng hộ ven biển diễn ra nhiều địa phương... Tình trạng đánh bắt bằng phương pháp sử dụng chất nổ, hoặc lưới cào chưa được xử lý triệt để; vẫn tồn tại nhiều ngư dân đánh bắt trong mùa sinh sản hoặc trong khu bảo tồn biển;
Về thiên tai: Quảng Trị thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra như bão, tố, lóc và xói lỡ bờ biển, đặc biệt là hiện tượng xâm thực bãi tắm Cửa Tùng trong những năm gần đây;
Về sự cố môi trường: Hàng năm, Quảng Trị đều chịu ảnh hưởng của sự cố tràn dầu trên biển ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch, đánh bắt thủy sản và đời sống dân sinh khu vực ven biển. Đặc biệt sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân vùng biển.
Về lâu dài, khi Khu kinh tế Đông Nam được xây dựng và đi vào hoạt động, những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra, nếu không có những giải pháp mang tính chiến lược, kiên quyết, cụ thể thì chúng ta sẽ phải đối mặt với những nguy cơ bị ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm của vùng ven biển, nguy cơ về suy thoái đa dạng sinh học cũng như xâm thực vùng bờ. Do vậy, tỉnh Quảng Trị đã có những giải pháp sau:
+ Quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng như Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền kết hợp với điều tra, cập nhật dữ liệu tài nguyên môi trường biển.
+ Tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án Chuyển đổi sinh kế vùng ven biển bãi ngang; Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về biển, đảo ở địa phương. Xây dựng chính sách ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về biển, đảo. Triển khai các đề án công trình bảo vệ bền vũng vùng bờ.
+ Thực hiện hoàn thành dự án Đầu tư năng lực quan trắc và xử lý sự cố môi trường biển trong năm 2018, với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng, nhằm tăng cường năng lực quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và khả năng xử lý sự cố tràn dầu ven biển;
+ Tăng cường kiểm soát các nguồn thải của các cơ sở sản xuất; giám sát chặt chẽ việc cam kết đầu tư hệ thống xử lý nước thải của các dự án, dự án nào không có hệ thống xử lý nước thải chưa cho phép đi vào hoạt động;
+ Tăng cường công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án; sàng lọc, lựa chọn các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, các dự án có công nghệ tiên tiến, ít lãng phí tài nguyên.
PV:Quảng Trị có những định hướng gì trong tương lai khi bối cảnh cả nước đang cùng tập trung cho công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng ngày càng xanh sạch đẹp?
Ông Hà Sỹ Đồng: Trong thời gian tới, cùng với sự chăm lo phát triển kinh tế, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, áp lực trong công tác bảo vệ môi trường cũng ngày càng tăng lên. Quảng Trị đang và sẽ tập trung vào các định hướng, giải pháp nhằm bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng như sau:
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đảo. Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về bảo vệ tài nguyên và môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất, Ngày Trái đất, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu cho các đối tượng là cán bộ cấp xã, khối doanh nghiệp và người dân. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về BVMT tại địa phương như: mô hình thanh niên tự quản vệ sinh môi trường đường phố, mô hình kết hợp BVMT và xoá đói giảm nghèo, mô hình hợp tác xã tự quản vệ sinh môi trường, câu lạc bộ Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lon, mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.
- Đẩy nhanh tiến độ tiến tới hoàn thành công tác xử lý các điểm ô nhiễm môi trường bức xúc tại địa phương, trong đó hoàn thanh việc nâng cấp và xây dựng các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh tại các huyện; cải tạo phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các chợ, làng nghề. Huy động các nguồn lực tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường là tại các khu, cụm công nghiệp, các đô thị và các khu vực đông dân cư ven biển.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường như: Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường, trong đó chú ý đến các dự án ven biển. Tăng cường công tác kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường sau đánh giá tác động môi tường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các hoạt động giám sát chất lượng, quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường. Đầu tư mạng lưới quan trắc, giám sát môi trường ven biển; Giám sát các nguồn xả thải vào nguồn nước, nhất là các nguồn thải quy mô lớn, nguồn thải đổ trực tiếp ra biển. Tổ chức thực hiện tốt công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu; xử lý vệ sinh môi trường sau lũ lụt. Thực hiện nghiêm túc công tác ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
- Tăng cường các giải pháp Quản lý chất thải, trong đó quản lý có hiệu quả chất thải rắn, đẩy mạnh công tác thu gom chất thải rắn khu vực đô thị và nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Quản lý có hiệu quả chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn, hướng dẫn các cơ sở phát sinh chất thải nguy hại thực hiện phân định, phân loại, vận chuyển, lưu giữ, tái sử dụng, xử lý, đăng ký chủ nguồn thải, báo cáo quản lý chất thải đúng quy định. Hỗ trợ công tác thu gom, xử lý rác thải và hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực xử lý cho các đơn vị ở địa phương.
- Tăng cường năng lực quản lý môi trường, tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã theo Nghị định 81/2007/NĐ-CP ngày 23/5/2007 của Chính phủ; Tăng cường đầu tư phương tiện, thiết bị chuyên dụng để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và môi trường... Vận hành có hiệu quả Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương. Vận hành, cập nhật dữ liệu Cơ sở dữ liệu môi trường, Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển đảo cấp tỉnh phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường, biển và hải đảo. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động tối đa nguồn lực từ mọi cấp, mọi ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; nghiên cứu điều tra cơ bản về địa chất, thuỷ văn, tai biến địa chất, TNMT biển và hải đảo. Thực hiện tốt các hoạt động giám sát chất lượng, quan trắc cảnh báo ô nhiễm môi trường, quan trắc xâm nhập mặn; giám sát các nguồn xả thải vào nguồn nước. Xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị đến năm 2025. Trong cuối năm 2018 và năm 2019, sẽ triển khai dự án trạm Quan trắc tự động môi trường biển tại Đảo Cồn cỏ và khu vực ven biển.
- Đầu tư thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bố trí kinh phí triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động số 83-CTHĐ/TU ngày 19/12/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV thực hiện NQ Hội nghị lần thứ 7, BCHTW Đảng, khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, Ngành Trung ương có liên quan về khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra giúp nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
PV: Một vấn đề quan trọng khác là Việt Nam đang trên đường hội nhập với thế giới, vì vậy trong công tác bảo vệ môi trường biển bền vững, Quảng Trị có những quyết sách gì để lồng ghép với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia?
Ông Hà Sỹ Đồng: Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là điều kiện, nội dung giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước”, chính vì vậy bên cạnh công tác bảo vệ môi trường biển bền vững, để lồng ghép với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia có hiệu quả thiết thực, xin đề xuất một số giải pháp về chính trị góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình hiện nay:
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng cách lồng ghép với giáo dục tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên và môi trường như tổ chức triển lãm lưu động: “Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo cho nhân dân, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin...
- Tăng cường năng lực quan trắc tài nguyên và môi trường biển đảo, về đặc điểm khí tượng, hải văn, năng lực cảnh báo thiên tai khu vực biển trên địa bàn và phạm vi trong khu vực, toàn quốc nhằm đảm bảo phục vụ phát triển KT-XH gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị nhằm huy động sức mạnh toàn dân cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo.
- Phối hợp với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế tham gia bảo vệ tài nguyên và môi trường của quốc gia, giải quyết các vấn đề quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Xây dựng và phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo phải gắn chặt với đảm bảo QPAN. Đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, tài chính cho việc đóng mới, nâng cấp tàu, thuyền, các trang bị cần thiết cho lực lượng chuyên trách bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về biển, đảo. Mặt khác tiếp tục triển khai có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, đề án, nghị định, chỉ thị của Chính phủ về biển đảo để vừa phát triển kinh tế biển, vừa góp phần tạo ra sức mạnh giữ vững chủ quyền biển, đảo. Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên các đảo như điện, đường, trường, trạm, thông tin liên lạc, văn hóa nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo.
PV:Xin cám ơn ông!