Quảng Trị: "Cá vua" giãy chết vì ô nhiễm

19/01/2015 00:00

(TN&MT) - "Cá giống thì hiếm. Nguồn nước bị ô nhiễm. Con cá làng tôi không còn được như xưa" - ông Phan Văn Ất, người nuôi cá chình lâu năm ở làng Tân Xuân lo...

   
(TN&MT) - Người dân thôn Tân Xuân, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong một thời "phất lên" nhờ nuôi cá chình ven dòng Thạch Hãn. Cá chình trở thành "cá vua" trong con mắt dân làng. Nhưng từ năm 2013 đến nay, con "cá vua" này có nguy cơ giãy chết.
   
Ông Phan Đăng Thụy, thôn Tân Xuân cho rằng tàu hút cát đã làm nguồn nước bị ô nhiễm.
   
  Nghề nuôi cá chình ở Tân Xuân nhờ cả vào nguồn nước sông sạch sẽ, cá lớn vù vù. Giá cá thương phẩm cao. Cả thôn có cơ mở mày mở mặt nhờ cứu cánh từ con cá. "Nhưng giờ thì coi bộ hết thời rồi. Cá giống thì hiếm. Nguồn nước bị ô nhiễm. Con cá làng tôi không còn được như xưa" - ông Phan Văn Ất, người nuôi cá chình lâu năm ở làng Tân Xuân lo lắng.
   
"Cá vua" bên dòng Thạch Hãn
   
  Làng Tân Xuân nằm phía hữu ngạn dòng sông Thạch Hãn. Nghề nuôi cá chình thương phẩm đã có ở đây từ những năm 2006. Trước đây, nhờ dòng nước mát sạch của sông nên việc nuôi cá gặp rất nhiều thuận lợi.
   
  Cả thôn sống bám lấy dòng sông. Trước, người làng làm đất, làm nghề chài lưới, bữa đực bữa cái. Nghề nuôi cá chình xuất hiện đã giúp nhiều người có của ăn của để, xây được nhà, mua được ti vi. "Ngay nhà tôi, nếu không có con cá chình thì làm chi xây được nhà. Sau mấy năm bán cá, tui mới có 'cục tiền' 95 triệu để mua vật liệu sắt thép. Nhà nông làm chi ra" - Ông Phan Đăng Thụy, làng Tân Xuân nhớ lại.
   
   
  Ngay phía dưới nhà ông Thụy là sông Thạch Hãn. Những lồng cá chình được tạo bằng tôn nhôm, đục lỗ, kích thước 1,5x3m, neo chắc vào bờ sông. Nghề nuôi cá chình chi phí thấp, công sức, tiền của chủ yếu đầu tư cá giống và tạo lồng nuôi. Theo ông Thụy thì, nhà nào có kỹ nghệ thì tự mua vật liệu, thiết kế lồng, không thì thuê, giá vào khoảng 15, 16 triệu/lồng. Mỗi lồng cũng dùng được 15 năm mới hỏng.
   
  Nhà ông Thụy trước đây có 2 lồng nuôi cá chình. Ông lão hồ hởi kể về mẻ cá đầu tiên mà mình vẫn nhớ như in. "Cả tạ cá 1 lồng. Xúc lên nhìn sướng con mắt. Ai cũng xăng xái. Vì có tiền mà. Thấy được lợi, ban đầu vài ba nhà nuôi, sau cả làng nuôi. Cá chình thành "cá vua", ông Thụy nói.
   
  Mặn chuyện, ông Thụy kể về cảnh cả làng bữa đực bữa cái với nghề chài lưới, ruộng vườn. Những năm 2000, bà con đã biết tiếng con cá chình là "thủy sâm", có giá cá đắt cắt cổ. Thứ thức ăn thời trân, vương giả đó chẳng khi nào người nông dân mơ tới - dù chỉ một khúc cá. Nhiều lần, có người đánh được, thương lái nghe mùi đã điện thoại trả tiền cao lấy cá ngay. Dân khát tiền, bán hết. Nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện nuôi. Cho đến khi người làng đánh bắt được cá chình con, ăn thì tiếc, bán không được… vậy là nghề nuôi cá chình bắt đầu từ đó.
   
  Hiện, cả thôn có khoảng 42 hộ sở hữu từ 1 - 2 lồng nuôi cá, với khoảng 100 - 150 con/lồng. Thời giá hiện nay, 1kg cá chình thương phẩm có giá từ 500 - 600 ngàn đồng. Tính ra 1 lồng nuôi cá cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Nhưng số lượng lồng nuôi cá ở thôn Tân Xuân đang giảm xuống. Và câu chuyện con cá chình với miền quê khó nghèo ven dòng giang còn được nhắc đến - cả ở những mặt trái.
   
   
"Cá vua" đi vào ngõ cụt
   
  Thời gian trước đây, làng Tân Xuân có cả trăm lồng nuôi cá chình. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, khi từ phía bờ tả ngạn sông Thạch Hãn (địa phận xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) những chiếc vòi hút cát từ các tàu cuốc cắm xuống lòng sông, thì nghề nuôi "cá vua" có cơ đi vào ngõ cụt.
   
  Khoảng năm 2005, số lồng cá ở thôn Tân Xuân lên đến cả trăm, nhưng nay chỉ còn vỏn vẹn khoảng 40 hộ. Bà Nguyễn Thị Toàn, thôn Tân Xuân rầu rĩ: Năm nay, số lồng nuôi mới chỉ được 2 lồng, do nguồn nước ô nhiễm, cá nuôi lồng trong lồng không lớn, cá chình bột bắt khai thác từ tự nhiên không có. Nhiều người làng đã bán lồng cá chuyển nghề khác.
   
  Bà Toàn vẫn còn nhớ cái đận lụt khủng khiếp năm 2010. Nước nguồn về ào ào, khiến 2 lồng cá của bà neo ngoài sông bị trôi. Cả làng nhiều hộ trắng tay vì lâm cảnh tương tự. Nhưng lũ xong, người ta vẫn sắm sanh vật liệu đóng chuồng, tiếp tục đổ tâm huyết, sức lực với con "cá vua". Bà Toàn buồn thiu: "Nhà tui cũng vậy. Chạy đôn chạy đáo vay mượn đâu như gần 30 triệu để đóng lồng mới nuôi cá… Nhưng tháng 7 năm ngoái tôi bán cả 2 lồng rồi. Được có 3 triệu. Giừ vợ chồng đi đánh giậm bắt tôm tép".
   
Hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Toàn phải bán lồng cá đi bắt tôm bắt tép.
    
   
  Không riêng gì gia đình bà Toàn, nhiều hộ khác ở thôn Tân Xuân cũng tìm cách bán lồng cá. Chi phí đóng lồng thì lớn nhưng bán lại với giá thấp khiến không ít người tiếc rẻ. Nhưng vẫn phải bán. Lồng cá bằng kim loại, để giầm nước, lâu ngày rỉ sét cũng bỏ. Thiệt mình chứ thiệt ai, ông Phan Văn Ất nói.
   
  Nguồn nước đục ngàu do quá trình khai thác cát ở phía tả ngạn đã khiến cá chình - vốn ưa nước mát sạch chậm lớn, sinh bệnh. Việc khai thác cát cũng gây suy giảm số lượng nguồn thủy hải sản có trên dòng sông, khiến nguồn thức ăn cho cá chình bị mất. Ông Phan Văn Ất cho rằng, vòi hút cát từ những tàu cuốc đã phá nát dòng sông, phá luôn miếng cơm manh áo của thôn Tân Xuân.
   
  Nhiều người dân nuôi cá đã bán lồng nuôi, trở lại với nghề chài lưới hoặc làm đất ruộng. Nhưng dòng sông bị tàu hút cát móc ruột, cá tôm ngày càng hiếm, đất đai thì bị sạt lở… thực sự đời sống của người làng chúng tôi đang đi vào ngõ cụt, bà Toàn não nề nói.
   
Khai thác cát sạn làm sạt lở đất trên sông Thạch Hãn
    
   
  Ông Nguyễn Đức Vọng- Chủ tịch xã Triệu Thượng thông tin: Thôn Tân Xuân bị sạt lở khá nhiều, việc này là do hút cát sạn. Tình trạng sạt lở đã ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là những hộ nuôi cá chình.
   
  Theo số liệu từ Công an huyện Triệu Phong thì: Trong năm 2014, đơn vị đã xử lý được 40 trường hợp vi phạm đối với hoạt động khai thác cát sạn trái phép, xử phạt gần 300 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước. Nhưng thực tế, việc quản lý giám sát việc khai thác khoáng sản mà cát sạn là một điển hình vẫn còn nhiều "hạt sạn" bất cập chưa có lời giải.
   
Bài và ảnh: Hải Tân
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: "Cá vua" giãy chết vì ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO