Quảng Ninh: Kiên quyết xử lý các dự án “treo”
(TN&MT) - Quản lý đất đai là một trong những lĩnh vực khá phức tạp, đa phần các vụ việc khiếu nại, tố cáo trên địa bàn hằng năm đều liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, dự án chậm tiến độ. Tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, cũng như kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ.
Kiên quyết xử lý nhiều dự án “treo”
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, nhất là các dự án trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng sở, ban ngành và UBND các địa phương rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục, hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định của pháp luật đất đai.
Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, chậm tiến độ, dự án trì trệ kéo dài việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị gây bức xúc cho nhân dân. Kiên quyết không để tái diễn tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”, sử dụng không đúng quy hoạch, sai mục đích, phòng, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, làm thất thoát ngân sách, lãng phí nguồn lực đất đai, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản.
Ông Trần Như Long - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, các sở, ngành chức năng, địa phương đã tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm, xử lý nghiêm, triệt để, đúng pháp luật đối với các dự án, công trình có vi phạm. Đồng thời, kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án, công trình đã chấm dứt dự án đầu tư, đã hết thời hạn cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn chưa hoàn thành đầu tư đưa đất vào sử dụng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh gần đây cho thấy, kết quả giai đoạn 2010 đến hết năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi 456 dự án với tổng diện tích là 13.085,66ha. Trong đó, đất do hết hạn thời gian thuê đất, do tự nguyện trả lại đất là 331 dự án với diện tích 2.993,57ha; thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai và thu hồi do vi phạm khác là 125 dự án với diện tích 10.155,46ha.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 19 dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, tập trung chủ yếu ở hai địa bàn TP. Hạ Long (6 dự án), TP. Móng Cái (5 dự án) còn lại ở các địa phương như: Uông Bí, Cẩm Phả, Đông Triều, Vân Đồn, Tiên Yên và Hải Hà.
Trong đó có những dự án nằm trên địa bàn TP. Hạ Long chậm đến hàng chục năm, để cỏ hoang mọc, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân như: Khu du lịch Hòn Gạc tại phường Cao Xanh của Công ty CP Tập đoàn INDEVCO; Dự án nuôi trồng thủy sản tại vùng Bắc Cửa Lục của Công ty CP Thủy sản và Thương mại Hạ Long; Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh C của Công ty CP phát triển dự án Biển Đông.
Ông Nguyễn Hữu Nhã - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long cho biết, thời gian qua, thành phố đã quyết liệt triển khai rà soát, báo cáo đề xuất tỉnh xem xét, xử lý, thu hồi đối với một số dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật, nhằm tránh gây lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước, cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của những doanh nghiệp có năng lực thực sự.
Tạo môi trường đầu tư lành mạnh
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Như Long cho biết thêm, thời gian qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, giải quyết nhiều nội dung vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các chính sách liên quan đến đất đai. Thông qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết những vướng mắc các dự án, những vụ việc tồn đọng phức tạp kéo dài của các địa phương.
Tuy nhiên, việc rà soát thu hồi các dự án là việc làm rất khó khăn, phức tạp, đan xen lợi ích. Vì vậy, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, điều cơ bản sau khi thu hồi các dự án chậm tiến độ, môi trường đầu tư của tỉnh vẫn giữ được tính ổn định và tiếp tục được nâng cao, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khi đến Quảng Ninh đầu tư sản xuất kinh doanh thực sự.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện dự án mới, phát huy hiệu quả sử dụng đất đai. Đồng thời, đẩy mạnh công tác rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định của pháp luật đất đai.
Với những dự án này, nếu gia hạn tiến độ sử dụng đất thì dự án sẽ tiếp tục kéo dài, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Trong khi theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, các dự án chậm tiến độ sẽ được gia hạn 24 tháng, nếu sau thời gian được gia hạn vẫn không hoàn thành sẽ thu hồi và không được bồi thường.
Quy định là vậy, nhưng trong thực tế rất khó thực hiện, vì có một số dự án kinh doanh hạ tầng chủ đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn với nhiều hộ dân, cũng như xây dựng nhiều công trình kiên cố nhà xưởng, máy móc. Vì vậy, nếu thu hồi không bồi thường sẽ phát sinh đơn thư khiếu kiện làm ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn.
Đây cũng là một trong những nội dung mà tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ xem xét sửa đổi quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai để đảm bảo hành lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và người dân.