Quảng Ninh bảo vệ môi trường: Vận hành hiệu quả 148 trạm quan trắc

Bài và ảnh: Phạm Hoạch| 13/12/2022 12:59

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó, tập trung quản lý, giám sát chặt các nguồn thải tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Kiểm soát chặt các nguồn thải

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để cải thiện và bảo vệ môi trường và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường luôn được quan tâm và thực hiện thường xuyên trên địa bàn.

6-1-.jpg

Trạm quan trắc môi trường tự động tại Công ty CP than Cọc Sáu (TP. Cẩm Phả) đảm bảo truyền các thông số liên tục tới Sở TN&MT Quảng Ninh.

Nhằm kiểm soát nguồn phát thải, những năm qua, Quảng Ninh đã đầu tư, quản lý, vận hành ổn định 148 trạm quan trắc môi trường tự động liên tục, trong đó có 1 trạm quan trắc môi trường không khí quốc gia đặt tại phường Hồng Hà, TP. Hạ Long do Bộ TN&MT đầu tư. Các trạm còn lại do tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đầu tư. Các dữ liệu từ trạm quan trắc được chuyển tải liên tục, thường xuyên, trực tiếp tới Bộ TN&MT, Sở TN&MT, Trung tâm Hành chính công của 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và Trung tâm Hành chính công của tỉnh để các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể giám sát, nắm bắt kịp thời diễn biến môi trường.

Hiện nay, có 9 KCN và 7 CCN nằm trên địa bàn khu vực nông thôn của 6 địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cộng với hàng chục đơn vị khai thác than đã và đang xả hàng chục nghìn m3 nước thải mỗi ngày. Với lượng nước thải, khí thải lớn như vậy, nếu không kiểm soát, giám sát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, các KCN, CCN, doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Các nhà máy xi măng, nhiệt điện đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, hệ thống phun sương, thiết bị kiểm soát bụi, khí thải để làm giảm đến mức thấp nhất lượng bụi phát tán vào môi trường. Các doanh nghiệp ngành than tích cực đổi mới công nghệ khai thác, trồng cây cải tạo phục hồi môi trường, cải tạo các công trình đê, đập chắn trôi đất đá, nạo vét hệ thống thoát nước, lắp đặt các công trình giảm thiểu bụi, tiếng ồn quá trình vận chuyển, sàng tuyển.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những lĩnh vực hoạt động liên quan đến môi trường. Năm 2021, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 681 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt trên 12,7 tỷ đồng. Trong năm 2022, Thanh tra Sở TN&MT đã tiến hành 30 cuộc thanh, kiểm tra đối với 63 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 đơn vị với số tiền xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Như Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, cho biết, dữ liệu của các trạm quan trắc được cập nhật liên tục, truyền về trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh thông qua phần mềm iLotusLand và được công bố số liệu quan trắc trực tuyến tới điện thoại cầm tay của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo một số địa phương và các cơ quan liên quan để nắm bắt kịp thời về tình hình phát thải ra môi trường của các doanh nghiệp xi măng, nhiệt điện, ngành than, các KCN, từ đó có biện pháp chỉ đạo, khắc phục nếu các chỉ số phát thải vượt ngưỡng cho phép.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trước yêu cầu của sự phát triển và thách thức đặt ra đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số     10-NQ/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030".

6-2-.jpg

Hệ thống đập ngăn đất đá trôi từ các bãi đổ thải, đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống liền kề

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 10, tỉnh Quảng Ninh ban hành nhiều kế hoạch triển khai công tác bảo vệ môi trường, cũng như tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà máy có phát thải lớn, nhà máy xi măng, nhiệt điện trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, các hành vi xả thải vượt quy chuẩn cho phép - ông Nguyễn Như Hạnh cho biết thêm.

Cùng với đó, tăng cường thay thế, sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, thu hồi các sản phẩm thải bỏ, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp, nhắc nhở khách du lịch, cộng đồng, các tổ chức, cá nhân khác có hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh Hạ Long không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần.

Phát động các phong trào cộng đồng như ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, suối. Quan tâm giải quyết những vấn đề môi trường tại địa phương, đơn vị, thực hiện thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định, các điểm ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát, chủ động nhận diện, cảnh báo các vấn đề môi trường nông thôn, môi trường biển đảo, môi trường xuyên biên giới, liên vùng, liên tỉnh, chủ động ngăn ngừa ứng phó các sự cố môi trường trên diện rộng.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh, cải thiện môi trường, đặc biệt khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế Vân Đồn.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường, cũng như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân đã từng bước góp phần xây dựng cảnh quan môi trường Quảng Ninh ngày càng xanh - sạch - đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh bảo vệ môi trường: Vận hành hiệu quả 148 trạm quan trắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO